(Báo Quảng Ngãi)- Giá thịt heo gần như đã “chạm đỉnh”, những tưởng người chăn nuôi sẽ được lợi. Tuy nhiên, khi giá thịt tăng quá cao, người chăn nuôi lại rơi vào cảnh khó khăn, khi heo bán ra ít người mua do thị trường tiêu thụ thấp, các lò mổ hoạt động cầm chừng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người chăn nuôi gặp khó
Hơn một tuần qua, vợ chồng anh Phạm Hạnh, ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) hết gọi chủ lò mổ này đến chủ lò mổ khác để bán đàn heo 22 con. Thế nhưng, anh vẫn chưa bán được, vì các chủ lò mổ đều đưa ra điều kiện: Mua hết cả đàn, nhưng mỗi ngày chỉ bắt 1 con và tính tiền theo từng con.
Nhiều tháng qua, chuồng trại nuôi heo của anh Nguyễn Quốc Việt, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) phải bỏ trống vì chưa dám tái đàn. |
Nhìn đàn heo đạt trọng lượng hơn 85kg/con, anh Hạnh bảo khi giá thịt heo tăng cao, vợ chồng anh rất mừng. Nhưng ngược lại, giá thịt càng cao thì những hộ chăn nuôi như anh lại khốn khó hơn. “Trước đây, khi heo đạt đủ trọng lượng, thì sau 1 - 2 ngày là bán được. Nhưng nay, giá thịt tăng cao lại khó bán hơn. Một ngày chưa xuất chuồng được, phải tốn tiền ăn đến gần 1 triệu đồng, rồi trọng lượng heo tăng lên lại càng khó bán và giá lại rẻ”, anh Hạnh nói.
Cùng cảnh ngộ là trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Quang, ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Dù đàn heo thịt đã đạt trọng lượng gần 70kg/con, nhưng cả tuần qua ông Quang phải chấp nhận bán lẻ mỗi ngày hai con cho hai chủ lò mổ. Khi chủ lò mổ ở địa phương không đủ sức để mua nguyên chuồng, ông Quang tìm đến các lò mổ lớn ở các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn để bán, song các chủ lò ở đây cũng chỉ mua nhiều nhất hai con/ngày.
Lò mổ ế ẩm, nông dân chưa dám tái đàn
Trong khi các hộ dân đang chật vật bán heo thịt thì nhiều nông dân khác bước vào giai đoạn tái đàn sau dịch bệnh cũng gặp không ít khó khăn. Bởi giá thịt tăng cao dẫn đến giá heo giống cũng tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Anh Nguyễn Quốc Việt, ở xã Nghĩa Thắng, có dãy chuồng trại nuôi heo thịt và heo nái khá quy mô, nhưng từ tháng 10.2019 đến nay, anh đành bỏ không chuồng trại. Trước đó, dịch tả heo Châu Phi ập đến, khiến đàn heo thịt, heo giống và heo nái trong chuồng mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, khiến anh mất trắng hơn 300 triệu đồng. Sau nhiều tháng bỏ không chuồng trại để khử trùng, chờ qua các tháng đầu năm 2020 tái đàn. Thế nhưng, giá heo giống tăng quá cao và khan hiếm, khiến kế hoạch tái đàn của anh “phá sản”.
“Giờ chấp nhận mua heo giống từ 1,5 - 2 triệu đồng/con để thả nuôi, nhưng vài tháng sau, giá heo trở về đúng giá trị thật thì lại tiếp tục... lỗ. Tôi rất muốn tái đàn, nhưng thất bại do dịch bệnh rồi, nên giờ chưa dám mạo hiểm”, anh Việt lo lắng.
Trong khi đó, nhiều chủ lò mổ cũng rơi vào tình cảnh “nửa làm nửa nghỉ” vì thịt heo mua vào giá cao, nên bán ra chậm, hầu hết các chủ lò mổ chỉ hoạt động cầm chừng từ 1-2 con/ngày.
Ông Quỳnh, chủ một lò mổ heo ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết: Trước đây, mỗi ngày tôi mổ từ 5 - 10 con cung cấp cho tiểu thương bán tại các chợ ở địa phương và TP.Quảng Ngãi. Từ khi giá thịt heo tăng đột biến, sức mua tại chợ yếu, nên các tiểu thương nhập thịt cũng hạn chế, nên tôi chỉ mổ mỗi ngày từ 1 - 2 con. Trong các tháng sau Tết đến nay chỉ mổ cầm chừng, để khách hàng có thịt duy trì bán tại các chợ. Giá thịt heo tăng cao thì từ người nuôi, đến người mua và cả lò mổ như tôi đều thiệt hại, chứ không ai vui vẻ gì.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC