(Báo Quảng Ngãi)- Sau thời gian dài “treo chuồng”, hoặc giảm đàn do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, người chăn nuôi heo trong tỉnh đang có nhu cầu tái đàn, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nhằm tiếp vốn cho người chăn nuôi heo, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ.
Kiệt quệ vì dịch bệnh
Là một trong những hộ chăn nuôi heo nhiều năm, gia đình ông Đỗ Văn Thanh, thôn Long Bình, xã Bình Hòa (Bình Sơn) luôn duy trì trong chuồng trên 40 con heo nái và hơn 300 con heo thịt. Đợt dịch tả heo Châu Phi bùng phát năm 2019, tuy đàn heo nhà ông Thanh không ảnh hưởng, nhưng giá heo thịt giảm quá sâu, khiến việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Bởi số tiền bán heo không đủ trả các chi phí, nên ông đã bán gần hết đàn heo, chỉ để lại gần 20 con nái tốt làm giống.
Người dân được hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp từ ngân hàng sẽ có điều kiện để tái đàn, khôi phục chăn nuôi heo. |
Ông Thanh chia sẻ: Tôi vừa mới vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT để mua 20 con heo giống về nuôi gây dựng lại đàn nái, mỗi con có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng. Dù nhiều tháng qua, giá heo thịt vẫn nằm ở mức cao, dịch bệnh cũng đã lắng xuống, nhưng tôi cũng chưa dám đầu tư chăn nuôi lớn, vì hiện nay giá heo giống quá cao, nếu không may dịch bệnh quay trở lại, hoặc giá heo hơi hạ trong thời gian tới sẽ dẫn đến thua lỗ nặng.
Tương tự, do không có quỹ đất nên từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Thái Hưng, xã Bình Trung (Bình Sơn) đã thuê đất đồi cách xa khu dân cư tại xã Bình Minh (Bình Sơn) để đầu tư 3 khu chuồng trại, đáp ứng quy mô thả nuôi 900 con heo thịt/lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, nên anh Hưng đành “treo chuồng” trong nhiều tháng qua.
"Năm 2019, tôi đã vay của Ngân hàng NN&PTNT Bình Sơn 200 triệu đồng để đầu tư phát triển đàn heo, nhưng do dịch bệnh phải nghỉ nuôi một thời gian nên gặp nhiều khó khăn. Giờ thấy dịch cũng tạm ổn, vợ chồng tôi đang có nhu cầu tái đàn trở lại, nhưng hiện nay giá con giống rất cao, nên chưa thể tái đàn trở lại", anh Hưng bày tỏ.
Tạo điều kiện thuận lợi về vốn
Hiện giá heo giống tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Người chăn nuôi rất cần sự hỗ trợ tổng thể từ nhiều phía, nhất là nguồn vốn lãi suất thấp. Theo Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Bình Sơn Nguyễn Hiệp, nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi của Agribank Bình Sơn khoảng 330 tỷ đồng, riêng chăn nuôi heo chiếm gần 60 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ dư nợ. Điều này chứng tỏ, khả năng hấp thụ vốn của người chăn nuôi là rất tốt.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết: Đối với những hộ vay vốn đầu tư chăn nuôi heo mà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá cả… ngân hàng đã thực hiện các giải pháp khoanh nợ, gia hạn nợ, tạo điều kiện cho người dân vượt qua khó khăn. Đồng thời, thực hiện cho vay nguồn vốn mới để nông dân có vốn sửa chữa lại chuồng trại, đầu tư mua con giống tái đầu tư sản xuất.
Việc tái đàn là cần thiết, nhưng không nên nóng vội tái đàn ồ ạt, mà cần thực hiện từng bước, từng vùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Chính quyền cơ sở cần xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp cách ly, vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho đàn heo, hướng đến chăn nuôi bền vững hơn.
Chú trọng đến hợp tác xã và nông hộ
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định, ngoài 15 doanh nghiệp nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần chăn nuôi heo hiện nay, chúng ta đang rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi heo nông hộ. Trong đó, hợp tác xã và nông hộ đang rất yếu thế nên cần được hỗ trợ tái đàn nhanh, hiệu quả và bền vững.
|
Bài, ảnh: HỒNG HOA