Nan giải bài toán nhân lực ngành nông nghiệp

09:05, 12/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu, nhưng sự chuyển dịch này đã ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Không mặn mà với nghề nông
 
“Mặc dù giá nhân công lao động hiện nay từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày/người, nhưng vào vụ sản xuất hoặc thu hoạch, tôi không tìm được người làm, vì lao động ở nông thôn đã rời quê đi kiếm việc ở các tỉnh, thành phố khác hết rồi”, bà Trần Thị Kiểm, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết.
 
Dù đã ứng dụng cơ giới hóa vào một số khâu trong sản xuất, nhưng trong những đợt cao điểm của thời vụ, ngành nông nghiệp vẫn cần nhiều lao động tham gia. Nhưng hiện nay, người trẻ đã rời nông thôn lên thành phố, các khu công nghiệp để tìm cơ hội làm việc, lập nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động, nên lực lượng lao động nông nghiệp chính hiện nay phần lớn là người lớn tuổi.  
 
Mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất măng tây ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức).
Mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất măng tây ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức).
 
Không chỉ lao động nông thôn không mặn mà với nghề nông, mà học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng... chê các khối ngành nông, lâm nghiệp! Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2015 đến nay, nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và công nghệ rơi vào tình trạng thiếu thí sinh. “Bố mẹ em quanh năm quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà vẫn không đủ nuôi hai chị em ăn học. Với lại, học các khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp khi ra trường vẫn phải... làm nông nghiệp, mà thu nhập lại thấp, nên em chọn thi vào ngành kế toán”, em Nguyễn Thị Yến, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) lý giải.
 
Nguyên nhân khiến lao động không mặn mà với nghề nông, là do sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng với thị trường tiêu thụ và giá bán bấp bênh, nên khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Chính vì vậy, lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất, mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác. Hệ quả là ngành nông nghiệp gặp khó trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.
 
Làm gì để giải bài toán nhân lực ngành nông nghiệp? 
 
Xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại không phải “con trâu đi trước cái cày theo sau”, mà là ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng cơ giới hóa toàn diện, sản xuất theo quy trình khép kín, để sản phẩm không chỉ đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng... nhằm tăng giá trị và tăng tính cạnh tranh.
 
Tuy nhiên, việc thiếu hụt lao động không chỉ làm tăng chi phí sản xuất và tổn thất, mà còn giảm giá trị sản phẩm. Nhất là khi, lực lượng lao động hiện nay là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nên hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm, kéo theo năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp.
 
Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn, cần thiết phải dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa. Bởi, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất đến thu hoạch không chỉ giảm tổn thất, đẩy nhanh tiến độ, mà còn giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất hiện nay chỉ tập trung ở khâu làm đất, thu hoạch và chủ yếu thực hiện trên cây lúa.
 
Ngoài ra, cần hình thành vùng sản xuất lớn, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư để ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho lao động; vừa thay đổi thói quen sản xuất và quản lý, tiến tới hình thành tầng lớp công nhân nông nghiệp.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.