(Báo Quảng Ngãi)- Người dân ở huyện Sơn Tịnh đã thay đổi tập quán chăn nuôi quản canh sang áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới thông qua dự án “Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ chăn nuôi bò cái lai trên nền bò lai Zebu”, qua đó giúp ổn định đời sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự án “Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ chăn nuôi bò lai trên nền bò lai Zebu” được triển khai tại các xã Tịnh Đông, Tịnh Giang, Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, có 600 hộ dân tham gia. Trong đó, Sở KH&CN hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại là nguồn kinh phí từ nông dân.
Chị Nguyễn Thị Vân, ở thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào chăn nuôi bò lai. |
Tại xã Tịnh Giang, dự án có 199 hộ dân tham gia. Là một trong những hộ tham gia đầu tiên, ông Cao Văn Hường chia sẻ: Gia đình tôi chuyển đổi từ 6 con bò cỏ sang nuôi 2 con bò lai. Đến nay, đàn bò lai của gia đình phát triển được 6 con. Nuôi bò lai mang lại giá trị kinh tế cao. Bò cỏ nuôi 30 tháng bán được khoảng 20 triệu đồng, còn bò lai nuôi 4 tháng bán khoảng 18 triệu đồng.
Còn tại xã Tịnh Đông có 201 hộ tham gia dự án nuôi bò lai. Các hộ dân đã ứng dụng thành công kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo bò. Chị Nguyễn Thị Vân (42 tuổi), ở thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông cho hay: Nhà tôi nuôi 3 con bò cái lai, đến nay đã sinh sản, phát triển thành 9 con. Để đủ nguồn thức ăn, gia đình tôi thuê đất trồng 5 sào cỏ voi; đồng thời cho bò ăn thêm cám và hèm chua từ lò nấu rượu của gia đình. Các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ cách chăm sóc, phòng bệnh, tiêm thuốc định kỳ nên đàn bò lai phát triển rất tốt.
Từ năm 2017 đến nay, dự án đã cho ra đời 990 bê con với trọng lượng bình quân 28kg/con; cấp 15 tấn giống cỏ làm thức ăn cho bò. Theo chuyên viên phụ trách khuyến nông, thú y xã Tịnh Giang Phạm Đình Tấn, để đàn bò tăng trưởng tốt, tránh dịch bệnh, cán bộ thú y ở địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân cách chăm sóc đàn bò. Nhờ vậy, số bò lai của xã Tịnh Giang hiện lên hơn 1.700 con.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Đông cho biết: Dự án này đã tạo điều kiện nâng đàn bò lai ở huyện Sơn Tịnh đạt 80%; thay đổi thói quen chăn nuôi bò của người dân từ tập quán chăn nuôi quản canh sang ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước gầy dựng đàn bò lai chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu bò lai an toàn sinh học trong thời gian đến. Dự án đã giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG