Tư Nghĩa: Xoay xở trả nợ xây dựng nông thôn mới

09:04, 10/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa đang chờ thẩm định hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, tình hình nợ đọng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở các xã trên địa bàn huyện còn khá cao, nên địa phương đang phải xoay xở giải quyết khoản nợ đọng này.
Nhiều xã đã về đích vẫn... còn nợ
 
Xã Nghĩa Hiệp là địa phương hiện có tới 24 công trình kênh mương, đường giao thông, nhà văn hóa xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng còn nợ kinh phí xây dựng khá lớn. Tổng vốn xây dựng các công trình này hơn 35,5 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thanh toán khối lượng được khoảng 27 tỷ đồng. Tổng số nợ đọng hiện còn gần 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện nợ chưa phân bổ về cho xã hơn 4,65 tỷ đồng; ngân sách xã nợ gần 3,3 tỷ đồng. 
 
Nhà văn hóa thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) có tổng kinh phí xây dựng 600 triệu đồng, nhưng hiện vẫn còn nợ 190 triệu đồng.
Nhà văn hóa thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) có tổng kinh phí xây dựng 600 triệu đồng, nhưng hiện vẫn còn nợ 190 triệu đồng.
Theo thống kê của UBND huyện Tư Nghĩa, hiện nay nợ đọng xây dựng các công trình cơ bản theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của 13 xã trong toàn huyện là 16,949 tỷ đồng, với 147 dự án. Trong đó, có 88 công trình đã phê duyệt quyết toán (số nợ hơn 9,213 tỷ đồng); 51 công trình đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán (hơn 6,016 tỷ đồng); 8 công trình chưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng (1,72 tỷ đồng). Số xã có số công trình nợ đọng nhiều nhất là: Nghĩa Thắng (28 công trình), Nghĩa Hiệp (24 công trình), Nghĩa Kỳ (16 công trình), Nghĩa Thương (15 công trình). Các công trình có nợ đọng chủ yếu là nhà văn hóa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Hiện các xã này đã về đích NTM.
 
Trong số các công trình nợ đọng nêu trên, có không ít công trình nguồn kinh phí đầu tư được quy định là "huy động sức dân", nhưng do người dân chưa đóng góp nên dẫn đến nợ. Theo phản ánh của người dân, có địa phương khoản kinh phí huy động là khá cao, nhiều hộ khó khăn, không đủ sức để đóng góp. Hơn nữa, nhiều công trình chưa quyết toán, thì huyện chưa bố trí vốn, dẫn đến các xã không có kinh phí để giải ngân theo tiến độ xây dựng mà để nợ kéo dài.
 
Khó khăn tìm nguồn trả nợ
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho biết: "Số kinh phí xây dựng công trình NTM thuộc trách nhiệm thanh toán của xã, hiện xã đã xác định được nguồn để trả nợ. Trong năm nay, xã sẽ giải quyết hết số nợ này cho nhà thầu". Theo ông An, số tiền để trả nợ đọng sẽ lấy từ nguồn thu đấu giá quỹ đất. Hiện xã có 3 khu dân cư đang chuẩn bị đưa vào đấu giá, với 60 lô đất nền, có thể đem về khoản thu lên đến 30 tỷ đồng, vì thế xã dư khả năng thanh toán nợ đọng.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành, trách nhiệm trả nợ của huyện thì huyện sẽ thanh toán, phần nào thuộc ngân sách xã thì xã phải đứng ra trả. Đối với số kinh phí xây dựng NTM mà huyện chưa cấp về cho địa phương, trước tháng 6.2020 sẽ xem xét giải quyết dứt điểm. Hiện nay, huyện cũng đang đôn đốc các xã khẩn trương tìm nguồn trả nợ ngay trong năm 2020, không để kéo dài sang các năm sau.
 
Theo tìm hiểu, hiện nay, ngoài xã Nghĩa Hiệp đã chủ động được nguồn kinh phí để trả nợ, thì 12 xã còn lại chưa tìm ra phương án để giải quyết những tồn đọng trên. Việc tập trung xây dựng các công trình hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí và đưa các xã về đích NTM là cần thiết, nhằm góp sức đưa huyện Tư Nghĩa đạt chuẩn huyện NTM. Thế nhưng, nếu tình trạng nợ đọng xây dựng công trình NTM không được giải quyết sớm, sẽ trở thành gánh nặng của các địa phương.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.