(Báo Quảng Ngãi)- Hạ lưu sông Trà Khúc là nơi tập trung nhiều loài thủy sản đặc trưng như cá bống, cá chát, cá dày, don... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản này đang bị suy giảm nghiêm trọng, do hoạt động khai thác quá mức của con người và tác động của các hoạt động phát triển kinh tế trên lưu vực sông.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân chuyên làm nghề đánh bắt cá bống trên sông Trà Khúc, ở xóm Ghe, thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng và các xã Tịnh Long, Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) dần chuyển sang đánh bắt các loài cá khác để mưu sinh, vì cá bống trên sông đang dần cạn kiệt.
|
Hành trình đánh bắt thủy sản vùng hạ lưu sông Trà Khúc của ngư dân ngày càng khó khăn, vì nguồn lợi thủy sản đang dần suy kiệt. |
“Mấy năm trước, thả từ 80 - 100 ống tre, thu về từ 3 - 4kg cá bống, còn nay “săn” được 1kg cá bống cũng "đỏ cả mắt". Hôm may mắn, thì được 1kg, còn bình thường chỉ được vài lạng là cao. Cá bống ít dần, một phần là vì giá cá ngày càng tăng cao, nên ai cũng đổ xô đi đánh bắt, một phần vì nạn khai thác cát dọc sông Trà, dẫn đến nơi sinh sống của cá bống bị thu hẹp dần”, ông T.V.T, người gắn bó với nghề bẫy cá bống trên sông Trà hơn 30 năm bộc bạch.
Theo chia sẻ của nhiều người dân đánh bắt cá ở vùng hạ lưu sông Trà, không chỉ cá bống mà nhiều loại thủy sản khác như don, cá thài bai, cá chát, cá dày, cá dìa, cá căn sông... cũng cạn kiệt dần. “Chục năm trước, cá căn trên sông Trà nhiều vô kể, có con to bằng bắp chân người lớn. Nhưng nay, khó lắm mới thấy một vài con cá căn nhỏ bằng ngón tay dính lưới. Rồi các loại cá khác như cá úc, cá dìa, cá đuối sống ở vùng cửa sông cũng vậy. Thành thử, việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Trà của người dân chúng tôi đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Trần Văn Cư, xã Tịnh Long cho hay.
Là nơi tập trung nhiều loài thủy sản quý, nhưng công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực hạ lưu sông Trà Khúc vẫn còn bị bỏ ngỏ. “Tình trạng người dân vùng hạ lưu sông Trà Khúc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chưa có các quy định xử lý cụ thể, nên chi cục chỉ có thể khuyến cáo người dân khai thác chọn lọc, đúng kích cỡ thông qua các buổi hội nghị, tập huấn. Đối với việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, chi cục chỉ mới tiến hành thả tái tạo trên sông Kinh Giang, khu vực cửa Sa Cần... chứ chưa tổ chức thả tái tạo trên sông Trà Khúc”, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Thị Ngọc Hà cho biết.
Cũng theo bà Lê Thị Ngọc Hà, đối với loại cá bản địa của tỉnh là cá bống sông Trà, dù biết loài cá này đang dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, nhưng do tỉnh chưa sản xuất thành công giống nhân tạo cá bống sông Trà, nên chưa có giống để thả tái tạo...
Trong khi ngành chức năng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Trà Khúc, thì theo kết quả nghiên cứu khoa học tại đề tài “Quy hoạch, bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện, con sông này đang là nơi phân bố của các loài cá đặc hữu của Việt Nam như cá bống đá, cá chát, cá dày...
Ngoài ra, đây còn là dòng sông có giá trị đặc biệt về sinh thái và nguồn lợi thủy sản đối với Quảng Ngãi, là nơi sinh sản của nhiều loài cá, tôm, nhuyễn thể quý. Trong đó, có 7 loài cá nước ngọt trên sông Trà Khúc nằm trong danh mục nguy cấp, sẽ nguy cấp và gần nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam.
Bài, ảnh: PV