Mưu sinh giữa dòng sông Trà

06:10, 24/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm giữa dòng sông Trà Khúc, Gò Bành được biết đến là doi đất màu mỡ, phì nhiêu để trồng trọt, chăn nuôi của người dân ở các tổ dân phố 4, 5, 6, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi). Nhiều nông dân đã gắn bó cả đời với nơi này để mưu sinh.

TIN LIÊN QUAN

Cánh đồng giữa dòng sông

Tính đến nay, vợ chồng lão nông Nguyễn Mọi và bà Nguyễn Thị Thê, ở tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong đã gắn bó với nghề trồng rau, nuôi bò ở Gò Bành ngót nghét gần 30 năm. Nhờ đó mà ông có điều kiện chăm lo cho các con trưởng thành, xây được ngôi nhà cấp bốn khang trang.

Ông Mọi kể: “Những ngày đầu đến Gò Bành, chúng tôi mất mấy tháng trời để khai hoang rồi mới trồng trọt được. Vài năm sau đó, mới ra hình hài của một mảnh đất nông nghiệp. Những trận mưa lớn, phải mua ghe băng qua sông, nếu có lũ lớn thì vụ mùa xem như thất bát”.

Hằng ngày, để sang Gò Bành sản xuất nông nghiệp, người dân phải bơi ghe gần 20 phút.
Hằng ngày, để sang Gò Bành sản xuất nông nghiệp, người dân phải bơi ghe gần 20 phút.
Ở Gò Bành, người dân chỉ chọn những loại cây trồng ngắn ngày, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt như cà pháo, chuối, đậu phộng, dưa hấu... để trồng. Cứ đầu tháng 10 âm lịch là họ bắt đầu xuống giống và chăn nuôi bò. Đến tháng tám năm sau là kết thúc vụ sản xuất để tránh lũ cuốn và thất thu.

Ông Hồ Văn Nông, người cũng gắn bó với Gò Bành hơn 20 năm chia sẻ: “Năm nào vợ chồng tôi cũng nuôi 5 - 6 con bò và trồng đủ loại hoa màu trên 5 mẫu đất. Nhưng đến tháng 8 là phải bán bò, thu hoạch hết nông sản, hoa màu. Có những năm, nước lũ về đột ngột, phải bơi qua sông và chuyển bò vô bờ vào ban đêm, còn vụ hoa tết thì trôi theo nước lũ”.

Những vụ mùa cuối cùng ở Gò Bành

Vừa qua, khi nghe chủ trương của tỉnh muốn thu hồi đất để cho Công ty VSIP Quảng Ngãi triển khai các dự án, những người dân còn đang canh tác ở Gò Bành đều sẵn sàng nhường đất. Ông Nông chia sẻ: “Tuy đã gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, nhưng chúng tôi sẵn sàng nhường đất và kiếm nghề khác để mưu sinh. Người dân cũng mong nhận được sự đền bù, hỗ trợ để ổn định cuộc sống”.

Hiện nay, diện tích của Gò Bành khoảng hơn 20ha. Mới đây, 1/4 diện tích đất trong số này đã được Công ty VSIP Quảng Ngãi thu hồi để thực hiện các dự án. Bà Lê Thị Liền, một nông dân canh tác ở Gò Bành bày tỏ: “Người dân ai cũng sẵn sàng nhường đất cho nhà đầu tư. Sau này, lớp trẻ sẽ không còn làm nông nữa, mà chuyển sang nghề khác. Thế hệ của chúng tôi là những nông dân cuối cùng của Gò Bành này”.

Tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong, Mai Quốc Việt cho biết: “Gò Bành là "mảnh đất chung", không phải của riêng ai và không thuộc quyền sở hữu của họ. Địa phương đã tuyên truyền, vận động để người dân hiểu khi triển khai dự án nơi đây. Tuy nhiên, việc đền bù về hoa màu, nông sản thì các cơ quan liên quan cần quan tâm để người dân không phải chịu thiệt thòi”.

 Bài, ảnh: HOÀI BIỆT


 

.