(Baoquangngai.vn)-
Theo nhịp lên - xuống của con nước, những ngày này người dân sống ven đầm Nước Mặn ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) rủ nhau ra đầm vớt rong câu (rau câu) về bán. Năm nay “thuận trời”, rong câu xuất hiện nhiều hơn các năm trước, nhờ thế, thu nhập của bà con thêm phần khấm khá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vầng đông ló dạng, nước trên đầm vừa rút xuống, những người dân ven đầm Nước Mặn í ới nhau ra đầm vớt rong câu. Chỉ với chiếc thùng xốp, bao tải để đựng rong và cái dạ dày đủ no là họ có có thể ra đầm mưu sinh. Năm nay rong câu xuất hiện nhiều nhất trong 6-7 năm trở lại đây nên ai cũng phấn khởi. Mùa rong câu năm nay đang là một mùa vui!
Buộc ngang lưng sợi dây nối với chiếc thùng xốp nổi trên mặt nước, bà Phạm Thị Sáu ở thôn Thạnh Đức 1 ngụp vội xuống nước để vớt mớ rau câu dưới chân mình lên trên mặt nước. Nhúng số rong câu ấy thêm vài lượt dưới nước để làm sạch, bà Sáu đặt mớ rong câu vào thùng xốp mang theo.
Gần 60 tuổi, hàng chục năm gắn bó, kiếm sống nhờ những “đặc ân” của đầm Nước Mặn, bà Sáu cho biết, rong câu là “lộc” đầm ban. Bởi rong câu mọc tự nhiên ở đầm, không mất công nuôi trồng, chăm sóc. Cứ tới mùa, rong mọc thành từng mảng lớn dập dềnh trên đầm, chỉ cần dùng tay để vớt, sau đó phơi khô rồi đem bán cho thương lái là có tiền.
“Từ tháng Giêng đến hết tháng 5 (âm lịch) hàng năm là thời điểm rong câu vào mùa rộ. So với những năm trước, năm nay ‘thuận trời’ rong câu xuất hiện nhiều hơn mọi năm. Rong nhiều nên sản lượng rong khai thác được tăng gấp đôi. Trung bình một buổi vớt rong câu kéo dài tầm 3-4 tiếng, mỗi người có thể vớt được hơn 1 tạ rong tươi mang về phơi khô bán cũng có thu nhập vài trăm nghìn đồng”- bà Sáu cho hay.
Người dân ngụp lặn trên đầm Nước Mặn để vớt rong câu |
Nhiều người còn dùng cả ghe lớn để chứa được nhiều rong hơn |
Đang là thời điểm rong câu xuất hiện rộ trên đầm Nước Mặn nên mỗi ngày có hàng chục hộ dân khai thác rong câu trên vùng đầm này. Thành quả sau những giờ cần mẫn là những bao tải, thùng xốp chứa đầy rong câu. Họ rửa sạch, lọc rác rồi chở về phơi khô để bán cho các thương lái thu mua
Mệt nhọc sau gần 3 giờ đồng hồ vớt rong câu, khệ nệ bê 3 bao rong chừng hơn 100kg men theo con nước vào bờ. Ông Nguyễn Thu ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh cho biết, mỗi ngày ông đi từ 5 giờ sáng đến 8 giờ thì vào bờ do thủy triều lên. Số rong câu vừa vớt được, ông rửa sạch qua mấy bận nước rồi mang về nhà phơi khô.
Sau khi được vớt lên bờ, rong câu được mang phơi khô |
Theo ông Thu, công việc vớt rong câu đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó. Bởi, ngoài cái nắng chói chang trên đầu và luồng nước lạnh thấm vào người bên dưới khi ngụp lặn trên đầm vớt rong, thì để rong câu sạch, đẹp màu, ngoài khâu rửa sạch trong nước ngay tại lúc vớt, về nhà còn phải chịu khó trải thành lớp mỏng phơi, trở qua nhiều nắng.
“Phơi rong câu cũng giống như phơi lúa, không được để mắc mưa, kẻo rau câu rã ra thì coi như mất hết công sức ngụp lặn giữa đầm của mấy hôm trước. Khi vớt lên rong câu có màu đen, phơi khoảng 2 nắng 2 sương thì có màu tím. Lúc chuyển sang màu tím là lúc bắt đầu giặt thêm mấy bận nước cho thật sạch rồi phơi khô. Rong câu thành phẩm có màu vàng nhạt. Tầm 30 ký rong câu tươi, phơi khô ngót lại chỉ còn một ký rong câu thành phẩm”- ông Thu nói.
Ông Nguyễn Thu cười rạng rỡ với thành quả sau một buổi vất vả mưu sinh trên đầm |
Trung bình một buổi vớt, phơi nắng, mỗi người thu được 2kg rong khô thành phẩm. Tính giá từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg (tùy theo chất lượng rong khô) như hiện nay, một người cũng có nguồn thu nhập 260 nghìn- 300 nghìn đồng/ngày.
Gắn bó với nghề khai thác rong câu nhiều năm qua, ông Thu bộc bạch, chính nhờ nghề này mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập.
Bình quân 30 kg rong câu tươi đem phơi còn khoảng 1 kg khô |
Rong câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như thạch rau câu, nước giải khát,… được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở phường Phổ Thạnh luôn có thương lái thu mua vận chuyển đến các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc tiêu thụ. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, rong câu được xem là loại thực phẩm “vàng” giúp giải nhiệt rất tốt.
Không rủi ro, chẳng tốn kém tiền vật tư, phân bón, rong câu lại có “đầu ra” và giá cả ổn định, cái nghề “làm chơi, ăn thiệt” này trở thành một nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân sống ven đầm Nước Mặn mùa nắng nóng. Chính vì vậy mà ngoài những hộ dân chuyên mưu sinh bằng nghề này còn có nhiều người làm nghề thả lờ, lưới cá trên đầm cũng chuyển sang khai thác rong câu để kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
BẢO NGỌC