Vùng chuyên canh hoa màu: Tìm hướng đi bền vững

09:03, 08/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để tìm hướng phát triển bền vững, cung ứng vào chuỗi phân phối mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, các vùng chuyên canh hoa màu trên địa bàn tỉnh đã thay đổi thói quen canh tác.
Phủ xanh vùng đất cát
 
Tại cánh đồng chuyên trồng hoa màu chục năm qua của người dân thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức), nơi này từng là vùng đất cát bạc màu, thời tiết bất lợi, chẳng cây trồng nào phát triển nổi. Thế nhưng, từ khi đầu tư hệ thống điện giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, cộng với sự chăm chỉ, siêng năng cải tạo đất, các loại rau, củ, quả đã phủ xanh vùng đất cát.
 
Sau khi xuống giống gần hai tháng, đến nay, 3 sào bầu trĩu quả của ông Phan Văn Viễn, thôn Lương Nông Bắc cho thu hoạch trung bình mỗi ngày 3 tạ bầu. Ngoài ra, ông Viễn còn trồng các loại hoa màu khác như cà tím, dưa leo trên 6 sào đất liền kề.
 
Ông Viễn cho biết: “Để cải tạo đất cát bạc màu, tôi sử dụng các loại phân chuồng ủ mục, nhằm tăng dinh dưỡng cho đất. Trước đây, nơi này chỉ trồng được một vụ, nhưng từ khi đất được cải tạo, người dân trồng hoa màu quanh năm. Kể cả vào mùa mưa, nhờ đất cát thoát nước tốt, nên rau màu không bị ngập úng, thương lái thu mua với giá cao”.   
 
Nghề trồng rau mang lại thu nhập cao cho ông Đoàn Ngọc Trung, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức).
Nghề trồng rau mang lại thu nhập cao cho ông Đoàn Ngọc Trung, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức).
 
Trong khi nhiều người thường chỉ xuống giống một loại rau, thì ông Đoàn Ngọc Trung, thôn Lương Nông Bắc lại chia đất ra trồng các loại rau, củ xen kẽ như cải, bồ ngót, rau muống, khoai lang Nhật, khoai môn... Bên cạnh đó, ông còn xử lý đất để trồng măng tây, một loại cây trồng mới đã bén duyên mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã thuộc huyện Mộ Đức.
 
“Thay vì xuống giống đại trà, việc trồng nhiều loại rau màu khác nhau, nhằm hạn chế sâu bệnh, tránh tình trạng được mùa mất giá so với thu hoạch một loại rau. Năng suất, hiệu quả kinh tế từ trồng hoa màu mang lại cao hơn 3 - 5 lần so với trồng lúa”, ông Trung cho hay. 
 
Để tiết kiệm nước tưới và nhân công, ông Trung còn đầu tư 20 triệu đồng để làm hệ thống tưới phun. Trong số 30 hộ trồng rau ở vùng đất này, ông Trung là người tiên phong, mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới mà ít sử dụng phân, thuốc hóa học.
 
Làng rau chuyển mình...
 
Chuyên canh hoa màu là nghề truyền thống của người dân thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi có 320 hộ dân thì có khoảng 250 hộ làm nghề rau. Hơn 20 năm kế nghiệp nghề trồng rau truyền thống, ông Huỳnh Tiến Dũng đã chuyển sang hướng trồng rau an toàn, đồng thời cùng vận động người dân thay đổi thói quen canh tác. Theo ông Dũng, nghề trồng rau là nghề rất lâu đời ở thôn An Mô, cung ứng rau xanh cho các xã trong huyện, kể cả các huyện lân cận.
 
Thời gian đầu, nhiều người xung quanh e ngại thay đổi thói quen canh tác, vì lo lắng đầu ra. Tuy nhiên, trồng rau sạch không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mà chính vì sức khỏe người trồng rau. Suốt thời gian qua, ông Dũng tìm hiểu, học hỏi sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để trồng rau, dù thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, vì tốn thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, nhờ liên kết với chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, nên giá bán, đầu ra ổn định. Xung quanh vườn rau, ông Dũng còn trồng các loại hoa, vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng thu hút các loại côn trùng không đến các luống rau.
 
Mới đây, Hợp tác xã Sản xuất rau truyền thống An Mô (HTX) đã được thành lập, với 17 thành viên, trong đó 11 thành viên trực tiếp sản xuất. Rau thu hoạch của HTX được đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh thu mua. Thay vì chờ thương lái đến thu mua như trước đây, các thành viên HTX nhận đơn đặt hàng qua Zalo theo giá hợp đồng rồi thu hoạch gửi đi. Để đảm bảo cung ứng sản lượng 1 tấn rau/ngày, HTX đang dần mở rộng quy mô thành viên và diện tích canh tác.
 
Trợ lực từ chính quyền
 
Theo Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt, hiện địa phương có 40ha trồng rau, củ, quả các loại. Cùng với việc thành lập HTX, xã còn chú trọng đến việc tập huấn, hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình để mở rộng diện tích canh tác rau an toàn, hướng đến đăng ký nhãn hiệu rau truyền thống, liên kết cung cấp sản phẩm cho các trường học, doanh nghiệp...
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.