(Báo Quảng Ngãi)- Măng tây là cây trồng mới được người dân nhiều xã ở huyện Mộ Đức chọn trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó có người dân xã Đức Chánh. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến người dân chưa kịp hưởng “quả ngọt”, đã phải chịu mùa măng “đắng”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tháng 8.2018, Tổ hợp tác măng tây Đức Chánh ra đời, với 8 thành viên là nông dân trong vùng. Tháng 9, cây măng tây được xuống giống trên diện tích 3,4ha. Nhìn lứa cây mẹ phát triển xanh mướt cả một vùng đất cát, người dân khấp khởi mong chờ một mùa bội thu. Sản phẩm cũng được Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Đan Miền Trung bao tiêu. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung ứng giống, chuyển giao công nghệ và phương pháp trồng măng tây cho các hộ dân.
Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Linh Đan Miền Trung Phạm Quốc Tuấn cho biết: Khoảng 4 - 6 tháng sau khi trồng, măng tây đã cho thu hoạch và có thể thu hoạch liên tục từ 7 - 8 tháng/năm. Cây măng tây có vòng đời từ 6 - 8 năm, có thể kéo dài 10 - 15 năm, nếu được chăm sóc tốt. Từ năm thứ hai trở đi, măng tây cho năng suất ổn định hơn.
Với giá bán trung bình khoảng 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập của người trồng có thể đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. “Được mệnh danh là “rau hoàng đế”, vì chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, nên măng tây rất hút hàng. Công ty chúng tôi bao tiêu đầu ra cho phần lớn diện tích măng tây trên địa bàn Mộ Đức”, ông Tuấn cho biết.
Cây măng tây chết dần trên đồng đất xã Đức Chánh (Mộ Đức). |
Theo hướng dẫn, chỉ trong vòng 6 tháng sau khi xuống giống, măng tây đã cho thu hoạch. Thế nhưng, đã hơn 1 năm, Tổ hợp tác măng tây Đức Chánh mới chỉ thu hoạch được xấp xỉ 2 tạ măng tây vào cuối năm 2019.
Nguyên nhân do sâu xanh da láng và bệnh thán thư hình thành trên cây măng tây từ tháng thứ 4 sau khi xuống giống. “Sâu xanh thì kháng thuốc, xịt mấy cũng không chết. Còn nấm bệnh thì chưa xác định được loại nào, nên khó điều trị hiệu quả. Nấm bệnh hình thành trên khắp cây măng tây, gây vàng lá kéo dài và phân tán khắp khóm cây, lây lan nhanh”, Tổ trưởng Tổ hợp tác măng tây Đức Chánh Nguyễn Đăng Đỏ than thở.
Ông Đỏ cho hay: Đến nay, mỗi hộ dân trong tổ hợp tác đã bỏ ra hơn 150 triệu đồng tiền đầu tư ban đầu để trồng măng tây. Chúng tôi thấy các xã khác trồng măng tây khá hiệu quả. Vì thế, ai cũng kỳ vọng. Vậy mà vườn măng tây chỉ ra loe hoe vài ngọn.
Hiện nay, có 6 hộ dân của Tổ hợp tác măng tây Đức Chánh đã chuyển giao 2,5ha diện tích trồng măng tây cho Hợp tác xã măng tây Đức Thạnh và được HTX hỗ trợ mỗi hộ dân 100 triệu đồng. Diện tích này đang được HTX măng tây Đức Thạnh tiếp tục xuống giống măng tây. Còn hiệu quả thế nào thì vẫn phải chờ! |
Số lượng măng tây bị nấm ở thân, lá và rễ dẫn đến chết lần lượt tăng lên sau bao nỗ lực chăm sóc và điều trị. Đồng măng tây xanh mướt giờ chỉ còn trơ lại những khoảng đất cát, một số diện tích người dân bỏ mặc cho măng tây chết khô trên đồng.
Hiện tại, chỉ còn 2 hộ dân bám trụ với vườn măng tây là hộ ông Nguyễn Đăng Đỏ và Nguyễn Minh Công, với gần 9.000m2. “Bao nhiêu tiền bạc bỏ ra, vay mượn ngân hàng, bán vườn keo để đầu tư... mà chưa thu lại được gì. Mấy người khác nản quá, nên bỏ hết rồi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, cố gắng duy trì một số cây còn sống, để xem tình hình dịch nấm có thể chữa được không”, ông Công thở dài.
Không chỉ ở xã Đức Chánh, một số diện tích măng tây ở các xã lân cận như Đức Thắng, Đức Phong cũng gặp phải tình trạng nấm bệnh tương tự, nhưng chưa nhiều. Phó trưởng Phòng NN&PTNT Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai cho hay: Huyện đang theo dõi sát sao tình hình nấm bệnh trên cây măng tây. Đồng thời, mời chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam về lấy mẫu xét nghiệm, để xác định loại nấm trên cây măng tây, từ đó tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: PV