(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua các mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ, hình thành cửa hàng bán lẻ... Quảng Ngãi đang nỗ lực đưa nông sản bản địa ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với các nông sản truyền thống an toàn, chất lượng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đi vào hoạt động chưa đầy 3 tháng, nhưng điểm giới thiệu và bán sản phẩm tiêu biểu của các địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Sở Công thương xây dựng tại trung tâm TP.Quảng Ngãi đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Là khách hàng quen thuộc tại điểm bán hàng này, bà Đỗ Thị Sợi, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) thường đến lựa chọn sản phẩm như trái cây theo mùa, mật ong, nhang quế... để sử dụng. Bà Sợi cho biết: “Đến đây tôi không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, giá cả phải chăng, nên tôi hài lòng khi sử dụng và ủng hộ những sản phẩm của địa phương”.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP do Sở Công thương xây dựng tại địa chỉ TP.Quảng Ngãi đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng. Ảnh: X.HIẾU |
Hiện tại, cửa hàng đang giới thiệu trên 100 sản phẩm, trong đó hầu hết là các loại đặc sản nổi tiếng của tỉnh như: Nước mắm Mười Quý, Sakydo; các sản phẩm từ quế Trà Bồng; trái cây Nghĩa Hành; các loại rượu trái cây Mộ Đức; thực phẩm chế biến sẵn như cá cơm rim, mực rim, đường phèn, đường phổi, hành tỏi, mật ong rừng... Tất cả đều được đóng gói với bao bì, mẫu mã đẹp, trưng bày bắt mắt.
Sản phẩm được bày bán chủ yếu là các sản phẩm được sản xuất trong tỉnh; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên được người tiêu dùng ủng hộ. Việc triển khai thực hiện xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP.Quảng Ngãi là sự khởi đầu của sự kiện và hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nông thôn chủ lực, tiêu biểu của tỉnh.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương cũng đã có thêm điểm tiêu thụ thông qua đơn vị kết nối là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ. Với sự tham gia của các hộ nông dân chuyên trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con truyền thống của địa phương và cả những hộ dân chuyên đi tìm, “săn” các loại nông sản, lâm sản bản địa và một cửa hàng trưng bày nông sản tại thị trấn Ba Tơ, HTX đã góp phần đưa nông sản bản địa ra thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn.
“Việc hình thành cửa hàng bán lẻ giúp các nông sản địa phương bán ra dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng hơn. Bởi cửa hàng bày bán cả ngày và luôn có sẵn các loại nông sản để khách hàng lựa chọn thay vì phải đi mua riêng lẻ từng nông sản tại chợ, tại nhà dân như trước”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ Phan Thị Quyến cho biết.
Bên cạnh thiết lập các kênh phân phối đa dạng cho các sản phẩm bản địa, Quảng Ngãi còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sản xuất, tạo các sản phẩm đạt chất lượng, đặc trưng, tiêu biểu cho các địa phương. Thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã lựa chọn và tập trung phát triển 66 sản phẩm hiện có để hoàn thiện, nâng cấp trong Chương trình OCOP của tỉnh. Mặc dù đang ở giai đoạn “khởi động”, nhưng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình... đã giúp nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Tiếp nối chương trình, giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 100 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có và phát triển mới 7 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP.
X.HIẾU - Ý THU