Tìm thị trường mới cho nông sản

04:02, 17/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ của nhiều loại nông sản, thực phẩm và trái cây trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, khi xảy ra những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mà cụ thể hiện nay là dịch Covid-19, khiến đầu ra của các mặt hàng trên bị ảnh hưởng.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung  trong tháng 1.2020 đã giảm 14%. Vì vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần tìm thị trường mới cho nông sản...
 
Nông sản ứ đọng
 
Mặc dù chưa vào vụ thu hoạch chính vụ, nhưng người trồng dưa hấu và ớt trên địa bàn tỉnh phập phồng lo sản phẩm sẽ bị ứ đọng. Hiện nay, giá ớt đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, giá ớt từ 20 - 30 nghìn đồng/kg giảm còn 7 - 8 nghìn đồng/kg, dưa hấu giảm từ 9 - 10 nghìn đồng/kg còn 2 - 3 nghìn đồng/kg. 
Ớt là sản phẩm phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ớt là sản phẩm phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
“Đầu vụ đã rớt giá, không biết chính vụ sẽ ra sao. Ớt thì tôi có thể phơi khô, hoặc chế biến thành tương ớt để... đợi giá; chứ dưa hấu mà không bán được ngay khi thu hoạch thì hỏng hết”, ông Trần Văn Hai, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết. Dưa hấu và ớt chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước cần thời gian để phục hồi.
 
Trong khi đó, ngành dăm gỗ hiện cũng lao đao vì dịch Covid-19, do đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị điều chỉnh chậm lại, thậm chí tạm ngừng. Đại diện lãnh đạo Nhà máy Chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Sơn Hà (Sơn Hà) lo lắng: “Không chỉ sản phẩm tồn đọng do đối tác Trung Quốc ngưng nhập hàng, mà với những đơn hàng đã xuất, việc thông quan cũng gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian và chi phí lưu bãi”.  
 
“Trong bối cảnh hiện nay, DN và địa phương cần tăng cường kết nối, để thu mua nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, DN cần đầu tư công nghệ chế biến sâu, tăng cường liên kết chặt chẽ với nông dân trong xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ, từng bước hạn chế xuất khẩu nông sản tươi, để khắc phục tình trạng ứ đọng sản phẩm”.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ
Cơ hội “tái cơ cấu”
 
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương quyết liệt hơn trong việc thực hiện “tái cơ cấu”, chủ yếu là tìm thị trường mới, hướng đi mới cho nông sản. Như việc trồng dưa hấu và ớt. Trước khi xảy ra dịch Covid-19 thì đây là các mặt hàng thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, cứ sau mỗi lần cộng đồng chung tay “giải cứu”, diện tích trồng dưa hấu và ớt lại... liên tục tăng.
 
Với dăm gỗ, lâu nay, giá trị xuất khẩu cũng không cao, do nguyên liệu sản xuất dăm gỗ chủ yếu là keo, nên không phát triển bền vững vốn rừng. Đặc biệt, việc xuất khẩu dăm gỗ cũng bị thị trường Trung Quốc chi phối (chiếm 60 - 70% tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam).
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Hân đề xuất: “Thay vì chỉ khai thác rừng để sản xuất dăm, doanh nghiệp (DN) và các hộ trồng rừng nên cân nhắc đầu tư phát triển rừng gỗ lớn, mang lại giá trị cao và bền vững hơn”. Ngoài ra, việc giảm lượng dăm gỗ xuất khẩu cũng được xem là cơ hội để các DN bổ sung nguồn nguyên liệu sản xuất những sản phẩm có giá trị cao hơn, như: Ván nhân tạo, gỗ MDF, viên nén nhiên liệu... và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng hơn.
 
Không chỉ xuất khẩu, các DN cũng cần đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Thực tế, thị trường nội địa lâu nay chưa được các DN quan tâm khai thác. Như dưa hấu, cũng là mặt hàng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhưng vì nông dân cũng như các đơn vị liên quan chưa quan tâm đến công tác chọn lọc giống dưa, giới thiệu sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kết nối tiêu thụ... nên đầu ra luôn bấp bênh.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.