Chinh phục MACCLESFIELD

08:02, 03/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Macclesfield là cái tên khá xa lạ đối với nhiều người ở Quảng Ngãi, nhưng chẳng lạ với ngư dân. Hơn 30 năm trước, những con tàu đầu tiên đã thẳng tiến ra hướng đông để tìm vùng biển lạ và tiếp cận vùng biển mới, nơi có đội tàu cá đa quốc gia và vùng lãnh thổ. Macclesfield là vùng biển được kể lại đầy hấp dẫn một thời.
 
Tôi từng nghe ngư dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng kể chuyện ra Macclesfield và hàng chục người kéo con cá cờ nặng 350kg lên tàu. Con cá cờ phải được cưa làm 3 khúc thì mới đút vừa xuống hầm tàu. 
 
Ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) thu hoạch cá ở Macclesfield.  ẢNH: Văn Chương
Ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) thu hoạch cá ở Macclesfield. ẢNH: Văn Chương
Trong những bữa đánh chén món cá ngon nhất đại dương với ngư dân Lý Sơn, Bình Châu vào thời điểm hơn 20 năm trước, tôi thường nhận được lời mời: “Nhảy lên tàu chạy một lèo ra tới đó mới thả neo, anh theo ngư dân ra một lần cho biết bãi ngầm”. Chuyện về Maclesfield được ngư dân kể tuần tự và đầy đủ. Đó là thiên đường cá nằm giữa Biển Đông.
 
“Macclesfield – Quảng Ngãi”, đó là danh hiệu được ngư dân các làng biển ở Quảng Nam, Đà Nẵng tôn vinh. Năm 1986, chàng thanh niên Bùi Trửu (21 tuổi) đã quyết định rời quần đảo Hoàng Sa, xuống tận đảo Bom Bay, vẫy tay từ biệt đoàn tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng rồi nhằm thẳng hướng đông. Con tàu này quay về bờ chỉ sau chục ngày đánh bắt và ngư dân Lý Sơn luôn miệng nói “cá gì mà trài hà (nhiều lắm)”. Hai năm sau đó, chiếc tàu QNg 0682 TS của ngư dân nổi tiếng nhất ở cửa biển Sa Kỳ là ông Dương Diên cũng tiến ra Macclesfield. Làn sóng kéo nhau ra chinh phục Macclesfield của ngư dân Quảng Ngãi bắt đầu từ đó. 
 
Bãi ngầm Macclesfield tọa độ 15 độ 45 phút vĩ độ bắc – 114 độ 24 phút kinh đông, nằm giữa Biển Đông. Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đây là vùng biển quốc tế, ngư dân tự do đánh bắt.

Thu nhập đỉnh, ngư dân rủng rỉnh tiền bạc, con tàu đầy loại cá to, mỗi con nặng vài trăm ký khiến ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng tò mò. “Ra Macclesfield mất điểm tựa?”, nỗi sợ hãi đó khiến các thuyền trưởng tỉnh bạn không dám rời đảo Bom Bay để đi tiếp theo đoàn tàu của ngư dân Quảng Ngãi.

Chỗ dựa có nghĩa là những hòn đảo nổi và khi trời đổ gió thì tàu cá sẽ chạy vòng quanh đảo để thả neo. Còn Macclesfield là một bãi ngầm, có nơi sâu hơn 4.000m, có nơi chỉ 15m. Dù biết cá nhiều vô cùng, dù biết đó là thiên đường trên biển, nhưng nhiều thuyền trưởng vẫn thụt lại, vì con tàu chỉ dài 15 - 17m, được vận hành bởi những chiếc máy thủy cũ nát thì ra Macclesfield khác gì đổi mạng.

Macclesfield thời đó là thiên đường. Ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ biết hóng cổ ngồi nghe ngư dân Quảng Ngãi kể về vùng biển có đoàn tàu đa quốc gia. Tàu Hồng Kông sang trọng như du thuyền (Hồng Kông thời chưa được Anh trả về cho Trung Quốc); tàu Đài Loan có nhiều thiết bị dự báo, máy dò cá, máy định vị; tàu cá Nhật Bản có gắn rađa Koden trên nóc và làm nghề câu cá ngừ đại dương, nghề bẫy chình. Ngư dân Quảng Ngãi tồn tại được và không rơi vào cảnh chông chênh, vì ra tới nơi thì tìm cách cập vào các tàu để ngoại giao, hỏi thăm tình hình thời tiết, ngày nào cũng xin nhận được một cái vẫy tay để ra hiệu “bạn cho tôi biết mấy ngày nữa thì trời đổ gió, biển nhấp nhô?”.
 
Gần đến năm 2000, khi các chủ tàu giàu có sắm được máy định vị vệ tinh, thì ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng mới tiến ra Macclesfield. Dù ra muộn, nhưng ngư dân tỉnh bạn vẫn câu được những chú cá cờ nặng vài trăm ký. Đó là loại cá mõm dài và sắc như kiếm. Có chiếc tàu gỗ xui xẻo bị cá kiếm đâm thủng bụng tàu, “hung thủ” bỏ đi và để lại chiếc mỏ dài còn mắc vào kẽ ván khiến con tàu phá nước, cả tàu nhốn nháo tìm giẻ bịt kín trong thời gian chạy vào bờ.
 
Tôi chưa có lời hứa nào dài như Macclesfield. Hơn 20 năm sau tôi mới có mặt tại nơi này. Con tàu QNa 91327TS thả neo ở Macclesfield, giữa một khung cảnh biển êm đềm, bầu trời trong xanh, gợn đầy mây trắng. Một chiếc tàu gỗ trờ tới để hỏi thăm, xin mua ít cá nhỏ để làm mồi câu. Các ngư dân da đen nhẻm bất chợt chỉ vào tôi và thốt lên “gặp người quen”. Hóa ra, đoàn tàu của bà con xã Bình Châu đang vào mùa. Đêm xuống, cả mặt biển sáng rực như ánh sao, các ngư dân Quảng Nam thốt lên “rứa sao qua họ nổi, ở ngoài ni, Quảng Ngãi luôn đông dầy”.
 
LÊ VĂN CHƯƠNG
 

.