Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tiến tới thanh toán điện tử

08:11, 19/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ chấm dứt sử dụng tiền mặt trong chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang đôn đốc các địa phương nhanh chóng triển khai chi trả chính sách DVMTR bằng hình thức thanh toán điện tử. Tại Quảng Ngãi, hình thức thanh toán này đã và đang được các tổ chức, cá nhân nhận giao khoán tiếp cận.
Tạo thuận lợi cho người dân
 
Việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống của người dân tại các địa phương miền núi trong tỉnh.
 
Tuy nhiên, do hầu hết người dân có giao kết hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng với Quỹ Bảo vệ và phát triển (BV&PT) rừng tỉnh đều ở vùng cao, vùng sâu, nên việc chi trả tiền DVMTR còn gặp nhiều khó khăn. 
 
Người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng tìm hiểu thông tin chuyển tiền qua tài khoản.
Người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng tìm hiểu thông tin chuyển tiền qua tài khoản.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Quỹ BV&PT rừng Việt Nam, năm 2019, Quỹ BV&PT rừng tỉnh đã phối hợp với Viettel Quảng Ngãi tổ chức triển khai chi trả tiền DVMTR cho các hộ dân và cộng đồng dân cư thông qua ngân hàng số ViettelPay. Hình thức thanh toán này đã và đang mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân tại các địa phương tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Giờ đây việc nhận tiền đối với anh Đinh Văn Uôn, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Liên (Sơn Tây), thông qua ViettelPay trở nên đơn giản. Bởi cùng với việc mở tài khoản ngân hàng, anh Uôn có thể nhận được tin nhắn ngay sau khi đơn vị thực hiện chi trả tiền, mà không cần thông qua thông báo hay giấy mời của cán bộ địa phương. Song song với đó, anh Uôn có thể chủ động rút tiền tại các ngân hàng và điểm giao dịch Viettel ngay tại xã với mức phí “0 đồng”.
Năm 2019, thông qua ViettelPay, Quỹ BV&PT rừng tỉnh đã chi trả hơn 8,6 tỷ đồng cho 1.223 hộ gia đình và 17 cộng đồng dân cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng. Thời gian đến, gần 4.000 hộ sẽ được chi tiền khoán bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Anh Uôn chia sẻ: “Tôi đã ký cam kết bảo vệ rừng cho lưu vực thủy điện Đăkđrinh từ năm 2015 đến nay. Những năm trước, mỗi khi đến kỳ nhận tiền DVMTR, cán bộ kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xã thường gửi thông báo thời gian, địa điểm nhận tiền. Do điều kiện đi lại khó khăn, nên đôi khi thông tin đến rất chậm, thời gian chờ đợi nhận tiền rất lâu. Từ ngày trả tiền qua tài khoản, tôi thấy thuận lợi hơn rất nhiều”.

Tiếp tục nhân rộng
 
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục cộng đồng và hàng nghìn hộ gia đình đã nhận tiền DVMTR qua tài khoản, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo lộ trình của Chính phủ.
 
Theo Giám đốc ViettelPay Quảng Ngãi Nguyễn Văn Thiết, việc đăng ký và cài đặt dịch vụ ViettelPay rất đơn giản, chỉ cần người dân cung cấp chứng minh nhân dân và điện thoại của bất kỳ nhà mạng nào.
 
Ưu điểm lớn nhất khi sử dụng ViettelPay là người dân hoàn toàn không tốn bất kỳ khoản phí nào, rất thuận lợi cho người dân khu vực miền núi.
 
Bằng hình thức này, các hộ nhận khoán sẽ nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại về số tiền nhận được. Nếu muốn rút tiền mặt, chủ rừng có thể đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục nhận tiền. Bên cạnh đó, có thể sử dụng để thanh toán trực tuyến, chuyển khoản cho người thân, hay thanh toán tiền điện, tiền nước qua thao tác trên điện thoại mà không cần dùng tiền mặt...
 
Giám đốc Quỹ BV&PT rừng tỉnh Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Sau một thời gian khảo sát, làm việc với một số ngân hàng trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy ViettelPay là ứng dụng rất phù hợp với các xã miền núi.
 
Thông qua ViettelPay, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, thủ tục hồ sơ và nhân lực; nhất là đã tạo ra cơ chế tài chính công khai, minh bạch. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh về hình thức chi trả này.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.