Tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học

04:10, 29/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nguy cơ thiếu thịt heo vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2020 là rất lớn, nên việc tái đàn là cần thiết. Nhưng để tái đàn hiệu quả, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương cần giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học (ATSH).
TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ hụt nguồn cung


Thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi (ASF) bùng phát mạnh, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh xuống thấp, thậm chí có thời điểm chỉ còn 25 - 30 nghìn đồng/kg. Nhưng từ giữa tháng 10.2019 đến nay, giá heo hơi đang tăng, hiện tại là 45 - 50 nghìn đồng/kg. Theo nhận định của ngành chuyên môn, giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2020.
 Trong quá trình tái đàn heo, người dân cần tuân thủ quy trình an toàn sinh học.
Trong quá trình tái đàn heo, người dân cần tuân thủ quy trình an toàn sinh học.

Nguyên nhân là do từ tháng 5.2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 19.500 con heo mắc bệnh ASF, buộc phải tiêu hủy. Hơn nữa, dịch bệnh ASF cũng khiến người dân và các cơ sở chăn nuôi cầm chừng, thậm chí “treo chuồng”.

Vì vậy, khi giá tăng trở lại, người dân và các cơ sở chăn nuôi không có heo để bán. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và hiệu quả ngành chăn nuôi, mà còn có nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt heo, nhất là dịp tết Nguyên đán sắp đến.

Trong khi đó, nếu đầu tư tái đàn thời điểm này, người chăn nuôi cũng gặp khá nhiều bất lợi. Đó là, giá heo giống và thức ăn tăng, bệnh ASF tuy tạm lắng, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, cộng với mùa mưa lũ sắp đến, nên người chăn nuôi đắn đo trong việc đầu tư tái đàn.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Do ảnh hưởng của dịch ASF, các cơ sở và trang trại heo có quy mô lớn đã quan tâm hơn đến công tác ATSH. Bởi trải qua 8 tháng xuất hiện dịch ASF, nhiều cơ sở và trang trại heo trên cả nước vẫn an toàn nhờ ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về ATSH. “Trong bối cảnh bệnh dịch ASF diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chăn nuôi ATSH đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đối với người chăn nuôi”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết.

Chính vì vậy, để đảm bảo việc tái đàn hiệu quả và an toàn, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ứng dụng và chuyển giao các biện pháp ATSH. Theo đó, ngoài việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại, thì cần bổ sung chế phẩm vi sinh vào khẩu phần thức ăn, hoặc lập khẩu phần thức ăn theo điều kiện của cơ sở và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương theo một giai đoạn, hoặc nhiều giai đoạn nuôi dưỡng...

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm làm “cầu nối” cho người dân, cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y...), đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (mua bán, giết mổ, chế biến và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm...). Bởi sự liên kết chuỗi không chỉ sản xuất ra những sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, mà còn đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, đảm bảo thu nhập bền vững cho người chăn nuôi.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 

.