(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế theo chuỗi giá trị dựa trên tài nguyên, sự sáng tạo của người dân nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh cũng như tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu. Các mô hình sản xuất theo theo hình thức này ở huyện Sơn Hà, Mộ Đức... đã có những kết quả bước đầu, giúp giá trị nông sản và thu nhập của người dân tăng lên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bà Đinh Thị Yên, ở xã Sơn Cao (Sơn Hà) cho biết: Khi chính quyền địa phương chủ trương thực hiện mô hình liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với việc nuôi gà kiến, gia đình đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, gia đình tôi nuôi hơn 300 con gà do UBND xã cung cấp. Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, điều tôi an tâm nhất là khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất này là có đầu ra ổn định.
Người dân xã Đức Thắng (Mộ Đức) chăm sóc cây măng tây theo chuỗi trồng và tiêu thụ sản phẩm. |
“Để các mô hình liên kết sản xuất thành công, địa phương đã cụ thể hóa đề án, khảo sát điều kiện đất đai và lựa chọn những khu vườn có quy mô diện tích tương đối lớn, phù hợp với phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn mở một số lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các chủ thể tham gia mô hình; hỗ trợ cây, con giống cùng các loại phân bón, thức ăn cho các hộ dân đăng ký thực hiện chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm”, Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Đinh Văn Bát cho biết.
Cũng như Sơn Cao, các địa phương trên địa bàn huyện Sơn Hà đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết mang lại hiệu quả. Các sản phẩm nông sản sạch của các nhóm hộ nông dân huyện Sơn Hà hiện đã được đưa vào phân phối tại 18 siêu thị BigC phía Nam và miền Trung. Ngoài ra, các sản phẩm còn được ưa chuộng tại các quầy hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.
Tại huyện Mộ Đức, các mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ như cây măng tây, nuôi gà dưới tán rừng dương... cũng mang lại hiệu quả khả quan, đem lại thu nhập ổn định cho những người tham gia.
Cây mít Thái nằm trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở xã Sơn Cao (Sơn Hà) đang phát triển tốt. |
Không chỉ các huyện Sơn Hà, Mộ Đức, năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ 55 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT và các địa phương thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 187/193 dự án (DA) liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, với 42 đơn vị chủ trì và 7.780 hộ tham gia; trong đó có 78 DA trồng trọt, 106 DA chăn nuôi, 2 DA chế biến và 1 DA ngành nghề.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các DA gặp không ít khó khăn, vì đa số DA còn manh mún, nhỏ lẻ. Một DA có quá nhiều hộ tham gia, hoặc diện tích trồng trọt không lớn, nên hiệu quả thấp, không tạo được sự liên kết sản xuất bền bững theo chuỗi. Ngoài ra, hầu hết các DA đều do UBND xã làm chủ đầu tư, nên nhiều DA thiếu tính liên kết vùng để hình thành vùng nguyên liệu; năng lực tổ chức thu mua, cơ sở phục vụ việc thu mua nông sản của các chủ trì DA còn hạn chế.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Dương, thời gian tới các địa phương cần linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm định hướng, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững.
Địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp cùng tìm hiểu và tham gia tích cực vào quá trình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; vận động và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã để làm đầu mối liên kết; hỗ trợ những người có chuyên môn tham gia giữ vai trò chủ chốt trong hợp tác xã, làm hạt nhân thực hiện các DA hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị...