Mộ Đức: Phát triển đa dạng sản phẩm chủ lực

09:05, 15/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Mộ Đức đã và đang linh hoạt, chủ động thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) theo hướng đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, huyện không áp đặt khi lựa chọn OCOP, mà tùy điều kiện, nhiều xã có thể chọn một sản phẩm để đẩy mạnh vùng nguyên liệu và tổ chức các hoạt động, kết nối giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Phát triển sản phẩm truyền thống

Bánh mè là một trong những loại bánh truyền thống của người dân huyện Mộ Đức, trong đó có xã Đức Phong. Đây là nghề tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, sử dụng nguyên liệu tại địa phương, thuận tiện trong bảo quản và vận chuyển. Vì thế, bánh mè là sản phẩm được chọn trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của xã Đức Phong, với kỳ vọng sản phẩm truyền thống ngày càng có chỗ đứng, được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Mặc dù là loại cây trồng mới, nhưng măng tây đã
Mặc dù là loại cây trồng mới, nhưng măng tây đã "bén duyên" với nhiều đồng đất ở huyện Mộ Đức.


Huyện Mộ Đức xác định cây lúa là một trong những sản phẩm chủ lực thuộc chương trình OCOP, thông qua việc xây dựng vùng sản xuất lúa VietGap, kết hợp tổ chức lễ hội ngày mùa tái hiện lại không gian mùa gặt lúa.

Ngoài ra, với nhiều sản phẩm tiềm năng nhưng còn nhỏ lẻ, đơn cử như món gỏi cá trích và món ăn từ dế, dù được nhiều người biết đến , nhưng vẫn chưa thật sự tạo điểm nhấn. Huyện Mộ Đức định hướng các xã lựa chọn sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia lễ hội văn hóa ẩm thực tổ chức vừa qua. Lễ hội ngày mùa và lễ hội văn hóa ẩm thực là những lễ hội được lên kế hoạch tổ chức hằng năm với hình thức tổ chức luân phiên tại nhiều điểm, với nhiều nội dung phong phú dành cho nhiều độ tuổi tham gia, để thu hút đông đảo lượng người quan tâm. Qua đó tạo động lực thúc đẩy các xã “nuôi dưỡng” sản phẩm, sáng tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ để nâng cao giá trị.

Nhiều xã một sản phẩm

Cây măng tây là cây trồng mới trên địa bàn huyện Mộ Đức, sau thời gian trồng thử nghiệm tại các xã ven biển, loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng đi mới cho nông dân nơi đây. Người trồng măng tây có thu nhập 10 triệu đồng/tháng/sào. Cây măng tây lại nhẹ công chăm sóc mà thời gian thu hoạch lâu, phù hợp với nhân công ở vùng nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Đức Thắng Trần Văn Cúc cho biết: Cây măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng trước đây trên cùng một diện tích đất. Vì thế, xã chọn cây măng tây tham gia OCOP để phát triển kinh tế hộ dân. Hiện nay, đầu ra của cây măng tây được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giúp nông dân tránh khỏi tình cảnh được mùa, mất giá.

Hiện nay, cây măng tây đã "bén duyên" trên đồng đất các xã ven biển như: Đức Chánh, Đức Thắng, Đức Minh, Đức Phong. Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, với hiệu quả kinh tế mang lại, cây măng tây là cây trồng được nhiều xã trên địa bàn huyện Mộ Đức chọn trong chương trình OCOP.

Không chỉ linh hoạt mỗi xã chọn một sản phẩm đặc trưng, nhiều xã đã cùng chọn một sản phẩm, giúp xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đồng thời, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ măng tây gắn với hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhằm tạo ra đột phá trong chương trình OCOP.

"Trong số các nhóm sản phẩm thuộc chương trình OCOP, thì phát triển dịch vụ du lịch nông thôn là nhóm sản phẩm huyện chú trọng đầu tư thực hiện, để phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.