Làm giàu từ vùng đất cỗi

08:10, 30/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dám nghĩ, dám làm, hai nông dân Phạm Đức Dục và Nguyễn Ngọc Tùng ở xã Bình Khương (Bình Sơn) đã gầy dựng nông trại trồng trọt, chăn nuôi rộng hàng nghìn mét vuông đem lại thu nhập cao ngay tại mảnh đất quê hương.
TIN LIÊN QUAN

Khai hoang làm giàu

Con đường dẫn lên trang trại của lão nông Nguyễn Ngọc Tùng quanh co, nhưng hai bên đường là rừng keo rợp bóng. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, chân chất, ông Tùng cho biết: Trang trại này được ông gầy dựng từ năm 1990. Hồi đó, vợ chồng tôi chỉ có vài chục mét vuông đất trồng mì, mía. Thấy đất để hoang còn nhiều, hai vợ chồng không quản ngày đêm cùng nhau khai hoang và mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, tổng diện tích trang trại lên đến 7ha.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng ở xã Bình Khương (Bình Sơn) thu hoạch mủ cao su.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng ở xã Bình Khương (Bình Sơn) thu hoạch mủ cao su.
Dẫn chúng tôi thăm rừng cao su đang mùa thu hoạch, ông Tùng kể: Gần 10 năm trước, trên diện tích 2ha, tôi đã trồng 600 cây cao su. Cây phát triển tốt, nên mỗi ngày thu khoảng 30kg mủ. Với giá 13.000 đồng/kg mủ cao su, tôi kiếm được hơn 300 nghìn đồng/ngày.

Thấy giá trị kinh tế từ cây keo, cách đây khoảng 15 năm ông Tùng dành 4ha đất để trồng hơn 12.000 cây keo. Mỗi năm ông trồng gối đầu 1ha keo, để rồi sau 4 - 5 năm, năm nào ông Tùng cũng thu về hơn 100 triệu đồng từ bán keo.

Đầu năm nay, biết Công ty Bình Minh ở tỉnh Đồng Nai cung cấp giống, thuốc và bao đầu ra cho gà, nên vợ chồng ông  đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng làm ba chuồng trại nuôi gà, với sức chứa khoảng 10.000 con gà/trại. Được Công ty Bình Minh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nên lứa đầu tiên ba trại gà của ông Tùng cho lãi 60 triệu đồng/trại. Sắp tới ông Tùng sẽ nhập về 30.000 con giống cho đợt gà lần hai của năm 2019. Nhờ chịu khó sản xuất, nên doanh thu từ trang trại mang lại cho ông Tùng khoảng 500 triệu đồng/năm.

“Bây giờ nhìn lại khoảng thời gian trước mới thấm thía câu “khổ tận cam lai”. Ăn củ mì thay cơm, bao giọt mồ hôi đổ xuống mới có thành quả như bây giờ, nên vợ chồng tôi rất trân quý mảnh đất này. Tôi nghĩ, chỉ cần cố gắng, quyết tâm vẫn sẽ làm giàu được ngay tại quê hương của mình”. Ông Tùng tâm sự.

Tiên phong trồng cây ăn trái

Nhắc đến lão nông Phạm Đức Dục ở thôn Phước An ai cũng trầm trồ thán phục, bởi tinh thần dám nghĩ, dám làm của ông. Đó là vào năm 2012, ông Dục là người đầu tiên ở địa phương sẵn sàng đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng cây thanh long ruột đỏ trong khu vườn 5.000m².

Hầu hết người dân địa phương nghĩ, với thời tiết, đất đai khô hạn như ở Bình Khương mà ông Dục lại chọn cây thanh long để trồng thì sẽ thất bại. để chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của mình, ông cần mẫn chăm sóc 400 cây thanh long theo đúng quy trình kỹ thuật, nên thanh long luôn sai quả. Hiện nay, bình quân mỗi năm ông Dục thu 11 - 12 tấn thanh long ruột đỏ, thu về khoảng 150 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, ông Dục tiếp tục tiên phong trồng 130 cây mít thái và 70 cây dừa dứa, với số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng. Dừa dứa được ông Dục trồng ven hàng rào của vườn, còn mít thì trồng xen canh với thanh long cùng hơn 400 cây cau. Sau khoảng 8 tháng, hai loại cây trồng này phát triển tốt.

Ông Dục cho biết: “Hiện thanh long đã già cỗi, sức đề kháng với bệnh cũng yếu, nên tôi sẽ phá bỏ dần. Để kích thích nguồn dinh dưỡng và cải tạo đất, tôi trồng cau ở gần vị trí cũ của thanh long. Đến năm sau, tôi sẽ tiếp tục nhập giống thanh long mới về trồng lại”.

“Làm nghề nào cũng vất vả, quan trọng mình có cố gắng đi đến cùng hay không. Với tôi, nhìn thấy vườn cây xanh tốt, quả ngọt sum suê thì vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được”, lão nông gần 70 tuổi Phạm Đức Dục chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 

.