Tìm thị trường cho sản phẩm địa phương

02:09, 29/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Mộ Đức là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, với nhiều sản phẩm đặc trưng. Nhằm phát huy lợi thế sẵn có, cũng như xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với tiềm năng của địa phương, huyện Mộ Đức đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng người dân để đưa sản phẩm địa phương bay xa.

TIN LIÊN QUAN

Liên kết sản xuất

Mô hình nuôi gà thả vườn lâu nay đã được người dân huyện Mộ Đức triển khai, tuy nhiên do điều kiện nằm trong khu dân cư nên đa số các hộ chỉ nuôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa. Qua khảo sát, nhận thấy lợi thế của rừng dương ven biển, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức đã hỗ trợ cho các hộ dân địa phương thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi gà rừng dương với 5 thành viên.

Theo đó, từ nguồn khuyến nông, mỗi hộ trong THT này được hỗ trợ 500 con gà giống và vật tư. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ đóng giếng và đất sạch để các hộ nuôi trồng rau làm thức ăn cho gà. Nhờ vậy, sau hơn 5 tháng thả nuôi, mỗi hộ lãi ròng 40 triệu đồng.

Anh Trần Văn Khuyên, thôn Tân Định, xã Đức Thắng chia sẻ: “Trước đây, tôi và những hộ dân khác trong vùng chỉ nuôi gà theo quy mô nhỏ lẻ nên lợi nhuận không đáng kể. Từ ngày vào THT nuôi gà dưới tán rừng dương và được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, việc nuôi gà của chúng tôi đã thuận lợi hơn. Qua hai đợt giới thiệu sản phẩm do huyện tổ chức tại thị trấn Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi, sản phẩm gà rừng dương của các thành viên trong THT đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ cũng mạnh hơn.

Không chỉ THT gà rừng dương, thời gian qua, Mộ Đức đã thành lập được nhiều THT về sản xuất măng tây; các HTX, THT rau củ quả... Và sắp tới, huyện sẽ xây dựng các THT về du lịch, góp phần nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng của người dân địa phương.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho biết: “Để các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm hàng hóa theo hướng liên kết, thì trước tiên phải quy tụ các hộ sản xuất lại với nhau thành các THT, HTX. Từ đó, chính quyền địa phương mới có những định hướng cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng với họ để tìm ra hướng đi đúng, hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Tạo nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng

Song song với việc thành lập các THT, HTX, huyện Mộ Đức còn đồng hành cùng với người dân trong việc hướng dẫn các thủ tục về mặt pháp lý để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm đặc trưng theo định hướng “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Thông qua chương trình ẩm thực do huyện Mộ Đức tổ chức, các sản phẩm đặc trưng được chế biến thành những món ăn hấp dẫn.
Thông qua chương trình ẩm thực do huyện Mộ Đức tổ chức, các sản phẩm đặc trưng được chế biến thành những món ăn hấp dẫn.

Ngoài ra, để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến khách hàng gần xa, trong năm 2019, huyện Mộ Đức đã tổ chức các chương trình văn hóa ẩm thực. Tại đây, các sản phẩm hàng hóa là đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống đều được đưa lên các gian hàng.

Điểm đặc biệt là tại đợt trưng bày này, các sản phẩm đã được chính những người sản xuất ra chế biến thành các món ăn hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ thưởng thức các món ăn ngon, mà còn được trải nghiệm với loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi đặc sắc.

Anh Lê Thái Cường, thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh cho biết: “Sau khi tham gia trưng bày gian hàng, sản phẩm bánh tráng gạo của gia đình tôi đã nhận được nhiều đơn hàng hơn trước. Nhiều khách hàng sử dụng thấy chất lượng nên đã gọi điện mua thêm về dùng và đặt hàng để gửi đi cho người thân ở các tỉnh. Theo đó, thay vì phải bỏ hàng qua vài bước trung gian, thì giờ mình chỉ bỏ cho một đầu mối và như vậy giá thành đến tay người tiêu dùng cũng thấp hơn”.

Hơn nữa, điều khiến anh Cường vui nhất là chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, đồng hành giúp người sản xuất trong quá trình xây dựng nhãn hiệu độc quyền. Đây là điều kiện cần để những hộ làm nghề truyền thống như anh yên tâm sản xuất và phát triển.

“Vừa rồi tôi mới dán tem truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm bánh tráng gạo và gửi cho hệ thống siêu thị Big C để họ chấm điểm. Nếu được chấp thuận thì đây là cơ hội để sản phẩm truyền thống của tôi có mặt ở hệ thống siêu thị lớn, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn”, anh Cường chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân, tổ chức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng, huyện còn xây dựng chuẩn VietGap cho 4 sản phẩm nông nghiệp gồm lúa, măng tây, gà rừng dương, rau củ quả (Đức Thắng).

Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng cho các sản phẩm khác theo mục tiêu "nông nghiệp 4.0": Sạch từ sản xuất đến bàn ăn. Có như vậy mới nâng cao được giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản địa phương.

"Huyện Mộ Đức đã xây dựng được hai điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa ẩm thực là thôn Dương Quang, xã Đức Thắng và xóm Cây Gạo, xã Đức Tân. Sở dĩ huyện chọn hai điểm này là vì thôn Dương Quang gần với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, núi Long Phụng, chùa Ông Râu; đồng thời có biển và các tổ hợp tác trồng măng tây, gà rừng dương... nên sẽ kết hợp được giữa du lịch với văn hóa ẩm thực. Còn xóm Cây Gạo có lợi thế nằm gần Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, không gian đẹp, gắn với nền văn hóa lúa nước".

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức TRẦN VĂN MẪN

Nỗ lực tìm kiếm thị trường

Mục tiêu của huyện Mộ Đức là xây dựng các sản phẩm theo chương trình OCOP trở thành các sản phẩm mang tính chất toàn diện cả địa phương. Trong đó, Nhà nước là "tổng đạo diễn", doanh nghiệp là đầu mối, các THT, HTX tiên phong về sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như liên kết.

Ông Trần Văn Mẫn cho biết: Huyện sẽ chọn những sản phẩm đặc sắc, phù hợp với xu hướng hiện đại để xây dựng thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Một khi đầu vào đã ổn định thì cần tăng cường khâu chế biến và bảo quản, đầu ra cho sản phẩm như đưa vào các hệ thống phân phối như các cửa hàng thương mại, siêu thị, các điểm dừng chân...

Mặt khác, sáng tạo lập ra những hệ thống mới bằng cách liên kết với những cửa hàng bán các sản phẩm sau khi đã chế biến (ẩm thực). Bởi khi nào chứng minh được món ăn đó ngon, tốt cho sức khỏe, thì người tiêu dùng mới mua nhiều.

Gà nuôi dưới tán rừng dương được huyện Mộ Đức chọn làm sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Gà nuôi dưới tán rừng dương được huyện Mộ Đức chọn làm sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, người tham gia chương trình ẩm thực phải chính là những hộ, tổ kinh doanh về ẩm thực của địa phương để sau khi trình diễn, họ sẽ tiếp tục kinh doanh và xây dựng thành đặc sản của địa phương.

Trên cơ sở đó, kết hợp xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Du khách khi đến tham quan các điểm du lịch có thể kết hợp trải nghiệm nấu ăn và thưởng thức những sản vật đặc trưng của địa phương theo quy trình tự thu hái, tự chế biến, tự phục vụ...

Theo lãnh đạo huyện Mộ Đức, trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức Lễ hội Ngày mùa xóm Cây Gạo, xã Đức Tân theo hướng phục dựng lại những tinh hoa văn hóa lúa nước.

Du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động như tát nước bắt cá, thu hoạch lúa, giã gạo, sau đó dùng gạo này để chế biến thành các món bánh. Việc kết hợp giữa ẩm thực với văn hóa sẽ tạo thành câu chuyện hấp dẫn, giúp giá trị của ẩm thực tăng lên, thu hút thực khách nhiều hơn.

Với sự sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương, huyện Mộ Đức đã từng bước quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tinh hoa ẩm thực của địa phương, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển du lịch trong tương lai.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

.