(Baoquangngai.vn)-
Chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ, bưởi da xanh… những giống cây ăn quả tưởng chỉ có thể xuất hiện ở vùng đất Nghĩa Hành. Thì nay, miệt vườn xanh um lại xuất hiện ở vùng đất khô cằn của một huyện miền núi. Đó là kết quả sau bao ngày dãi nắng, dầm mưa của lão nông Hồ Đức ở xã Trà Bùi (Trà Bồng).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vườn cây ăn trái của lão nông Hồ Đức nằm chênh vênh trên một quả đồi ở thôn Gò, xã Trà Bùi. Giữa miền đất bao vây tứ phía toàn là keo nguyên liệu, thật dễ dàng phát hiện điều khác biệt thú vị trên quả đồi nơi gia đình ông Đức cư ngụ. Ở đó, ngôi nhà của ông như lọt thỏm giữa mảnh vườn rộng 5ha trù phú, xanh um toàn những cây ăn quả.
Đất cằn cho quả ngọt
Vợ chồng ông Hồ Đức quê ở huyện Bình Sơn, nằm ven sông Trà Bồng. Ông bà bắt đầu bén duyên với vùng cao Trà Bùi cách đây 20 năm. Những mảnh đồi khô cằn trơ đá, lác đác một số cây bụi mọc hoang, thấp còi do thiếu nguồn nước. Đó là tất cả những gì ông bà có lúc ấy.
Bằng tâm huyết của mình, lão nông Hồ Đức đã tạo nên một vườn cây ăn trái đa dạng ở vùng cao khô cằn Trà Bùi. |
Ông Đức kể, ngày ấy, ông đang làm việc trong một cơ quan nhà nước. Nhưng cái máu nhà nông chân chất vẫn cuồn cuộn chảy, thôi thúc ông. Ông khao khát có một mảnh vườn của riêng mình để thỏa sức lao động và thu gặt thành quả từ chính bàn tay mình. Cuối cùng, mong ước ấy cũng thành hiện thực khi ông quyết định xin nghỉ việc và lặn lội lên vùng đất nghèo khó bậc nhất ở vùng cao Trà Bồng để “khởi nghiệp” làm… nông dân.
Sau hồi chật vật khai hoang, vỡ đất, lão nông Hồ Đức lúc ấy cũng chỉ biết bắt đầu nghề nông với cây mỳ, cây keo. “Ngày ấy, vùng đất này còn cằn cỗi lắm. Nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng. Bà con đồng bào Cor ở đây ai cũng đói khổ. Gia đình tôi cũng chẳng khác gì. Nhiều ngày cầm cuốc cả ngày mà tay rớm máu, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Những lúc ấy, tôi lại nghĩ sao mình khờ dại quá. Đồng bằng lắm người muốn ở, tôi lại không chịu mà tìm lên nơi rừng rú!”- ông Đức cười hiền nhớ lại những ngày đầu gian khó.
Trong quá trình cải tạo đất, phát hiện trên đỉnh núi có nguồn nước suối, ông chợt nghĩ rằng có nước là có tất cả. Vậy là, cả gia đình chật vật tìm cách đưa nước nguồn về tưới cho mảnh đất cằn cỗi.
Ban đầu, ông mạnh dạn trồng thí điểm vài cây chôm chôm nhãn. Hy vọng không lớn nhưng lão nông cần cù vẫn ra sức chăm bón. Sau 3 năm, giống cây ăn quả đầu tiên xuất hiện trong mảnh vườn của gia đình ông đơm hoa, kết trái ngọt.
Mảnh vườn xanh um, độc nhất vô nhị của gia đình lão nông Hồ Đức ở thôn Gò, xã Trà Bùi |
Từ thành công ban đầu, lão nông Hồ Đức miệt mài tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu ở thôn Gò và lần lượt đem hết giống cây này đến giống cây ăn trái khác về trồng. Thấm thoắt 10 năm, vườn cây ăn quả hình thành, phát triển tươi tốt. Ở đó, các giống xoài cao sản, mít tố nữ, chôm chôm hay bưởi hồng da xanh đều đậu hoa, cho quả chất lượng.
Theo ông, miền núi thì không phải có cây keo mới cho thu nhập. Những giống cây ăn quả sinh trưởng tốt ở trang trại của ông đã minh chứng điều đó. “Keo thì tận 5-7 năm mới cho thu nhập. Còn cây ăn trái và nuôi cá, bò, heo, gà thì cho thu nhập quanh năm và cao hơn mấy lần so với keo”- ông Đức lý giải.
Để duy trì nguồn nước tưới ổn định, lâu dài, ông Đức lại mò mẫm đào ao tích nước để hè cũng như thu, vườn cây ăn quả luôn xanh um. Tận dụng hai cái ao với diện tích hơn 1.200 mét vuông, lão nông đầu tư thả 4-5 nghìn con cá trắm cỏ, cá trê mỗi năm.
Với tư duy đổi mới, mạnh dạn trong cách làm, chẳng mấy chốc trang trại trù phú của lão nông Hồ Đức nổi tiếng xa gần. Mảnh đất cằn ngày nào giờ nhường lại cho màu xanh tươi mát của vườn cây sum suê trĩu quả.
Con gái nối nghiệp cha
Chỉ với nghiệp làm nông, mà vợ chồng ông Hồ Đức có điều kiện nuôi 3 con ăn học thành tài, có công việc ổn định. Trong số ấy, có cô con gái út là Hồ Thị Thu Hà tình nguyện theo nghiệp cha.
Tốt nghiệp Đại học với vai trò là kỹ sư nông nghiệp vào năm 2013, không chọn bắt đầu ở nơi nào khác, Hà quyết tâm về vùng đất Trà Bùi gắn bó với nghề nông. Kinh nghiệm dày dặn của cha, cộng với những kiến thức mới của cô con gái, trang trại xanh mướt độc nhất vô nhị ở thôn Gò ngày càng phát triển.
“Tui bảo nó đừng theo nghề này, vừa cực vừa vất vả, nhưng nó bảo có sức lao động, có kiến thức thì đất cũng thành cơm. Mà đúng vậy thật!”- ông Đức cười khà khà đưa mắt ra mảnh vườn xinh- nơi chứa đựng 20 năm tâm huyết của gia đình ông.
Có cô con gái hỗ trợ, ông Đức mạnh dạn mở rộng sang chăn nuôi heo, bò, gà, vịt… Không đơn thuần theo cách chăn nuôi truyền thống, chị Hà luôn tư vấn cho cha những con giống mới, sức đề kháng cao và thu nhập đầu ra cũng khá hơn rất nhiều.
Nối nghiệp cha, chị Hồ Thị Thu Hà tốt nghiệp là kỹ sư nông nghiệp cũng trở về miền núi Trà Bồng để làm trang trại, ươm cây giống |
Cũng trong trang trại đa sản phẩm của ông Đức, chị Thu Hà- con gái ông đã tự mày mò ươm keo giống. Mỗi năm chị xuất bán 500-600 nghìn keo giống cho mỗi vụ trồng rừng mới và thu về một khoảng kha khá. “Tôi rất ngưỡng mộ cha mình. Đó là lý do tôi chọn theo nghề nông như cha. Nghề nào cũng có thể nuôi sống bản thân và gia đình, miễn là mình có chí”- chị Hà thổ lộ.
Khi nói về thu nhập của gia đình, ông Đức vui vẻ cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, cây trồng, con giống nhà ông luôn đạt năng suất cao. Với diện tích 5ha ao vườn và 5ha keo nguyên liệu, mỗi năm ông thu về không dưới 300 triệu đồng. Ông Đức cũng tự ươm giống cây ăn quả để trồng và biếu tặng cho bà con đồng bào Cor trong vùng.
Hễ ai nhắc tới ông Đức, họ đều nể phục sự cần mẫn, sáng tạo trong cách làm của ông. Ông Hồ Văn Ba- Chủ tịch UBND xã Trà Bùi chia sẻ: Ông Hồ Đức là một trong những gương nông dân tiêu biểu nhất xã vùng cao này. Xã khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế thì lúc nào ông Đức cũng tiên phong làm rồi hướng dẫn cho các hộ khác làm theo.
Sắp tới, lão nông cùng con gái còn có nhiều dự định mở rộng vườn cây ăn trái để khiến đất cằn đơm hoa, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Với họ, không có vùng đất nào khó. Chỉ tại lòng người ngại khó, không bỏ sức chinh phục đất mà thôi…
Bài, ảnh: Thanh Phương