(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi phần lớn các hộ gia đình đồng bào Cor ở Tây Trà loay hoay kiếm nguồn thu nhập, thì chị Hồ Thị Hồng Thanh, ở đội 5, thôn Gò Rô, xã Trà Phong lại có nguồn thu nhập ổn định với nghề đan lát truyền thống của đồng bào mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thoát nghèo nhờ nghề đan lát
Nằm cạnh bờ sông Hà Riềng là căn nhà gỗ khang trang cùng ngôi nhà kiên cố dùng làm “xưởng” sản xuất các mặt hàng đan lát của chị Thanh. Cả một khoảnh sân rộng có mái che có rất nhiều sản phẩm đan lát. Trong đó, giá trị nhất là hàng trăm cây chổi đót thành phẩm chuẩn bị xuất ra thị trường.
Chị Hồ Thị Hồng Thanh giới thiệu một số sản phẩm đan lát do chị tự làm. |
Chị Thanh cho hay, căn nhà gỗ và ngôi nhà xây có được là nhờ nghề đan lát. Cách đây 15 năm, gia đình chị cũng khó khăn như phần lớn người Cor nơi đây. Trong điều kiện khó khăn đó, lúc đầu vợ chồng chị đan một vài vật dụng như rổ, mủng, nia để bán cho bà con. Cái nghề đan lát này hầu như trước đây nhà nào cũng làm được. Sau này, các vật dụng bằng nhựa thay thế nên không còn ai giữ nghề. Lớp trẻ người Cor bây giờ gần như không ai biết đan các vật dụng cho gia đình.
Lúc đầu, chị Thanh cũng chỉ đan vài thứ phục vụ gia đình. Sau đó, thấy nhiều người hỏi mua nên chị đan nhiều hơn. Dần dần nhà chị trở thành nơi cung cấp các dụng cụ bằng tre, nứa, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương... Đặc biệt, từ năm 2017, chị thử sức với việc làm chổi đót và đã thành công. Mỗi ngày, gia đình chị Thanh làm được 40 - 50 cây chổi đót. Giá bán trung bình từ 30 - 40 nghìn đồng/cây, nên đem lại cho gia đình nguồn thu khá ổn định.
Hướng đến tổ hợp tác sản xuất
Không chỉ tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống thường ngày, mà chị Thanh còn rất “nhạy” với thị trường bằng việc đan một số dụng cụ truyền thống của địa phương để trang trí. Đó là mủng, nia, rổ, rá... làm rất nhỏ và bán cho các trường học để trang trí trong mô hình nhà truyền thống, hoặc bán cho các hội trại.
Hiện nay, chị Thanh đã cung cấp chổi đót cho một số thị trường ở các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bồng... Với nhu cầu thị trường ổn định, nên chị Thanh muốn mở rộng sản xuất bằng cách thành lập tổ hợp tác sản xuất chổi đót và tạo việc làm cho một số chị em ở địa phương.
Chị Thanh chia sẻ: Nếu cần cù, chịu khó, thì từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như nứa, lồ ô, dây mây, đót... sẽ cho nguồn thu nhập khá. Mỗi chiếc nia được làm trong một ngày và bán với giá 200.000 đồng. Một cây nứa tươi bán với giá 4.000 đồng, nhưng khi được chẻ nan, đan được nhiều nia sẽ cho thu nhập cao.
Cùng với việc gắn bó và gìn giữ nghề đan lát truyền thống, để phát triển kinh tế, chị Thanh còn mở rộng chăn nuôi cá, gà, vịt... Nhờ đó, gia đình chị đã trở thành hộ sản xuất giỏi, tiêu biểu của huyện Tây Trà.
Bài, ảnh: X.THIÊN