Xóa bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Khó cũng phải làm

10:07, 29/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cây lúa hiện có 3.321 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); rau, quả cũng có 260 sản phẩm thuốc BVTV... được sử dụng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc loại bỏ một số loại thuốc BVTV, nhất là những loại có hoạt chất độc hại là việc làm cần thiết.
TIN LIÊN QUAN

Cùng với 4 loại hóa chất, gồm: Acephate, Diazinon, Thalathion, Zine phosphide, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng quyết định loại bỏ thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ loại bỏ 30% thuốc BVTV có chứa hóa chất độc hại.

Hậu quả nặng nề

Hoạt chất Glyphosate có trong các loại thuốc diệt cỏ, được nhiều nông dân lựa chọn sử dụng vì khả năng diệt cỏ cao. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong thời gian dài đã để lại những hệ lụy tiêu cực. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm ô nhiễm môi trường, thuốc BVTV còn diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn.
 
“Nông dân có thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kiểu “tăng thuốc giảm nước”, nên cây trồng "nghiện" thuốc, sâu bệnh “nhờn” và nhanh kháng thuốc”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN&PTNT) Phạm Bá lý giải.
 
 Ngành chức năng kiểm tra việc phá hại cây bắp của sâu keo mùa thu.
Ngành chức năng kiểm tra việc phá hại cây bắp của sâu keo mùa thu.
 
Đơn cử như bệnh sâu keo mùa thu. Tuy mới xuất hiện, nhưng bệnh sâu keo mùa thu được đánh giá là đối tượng gây hại rất nguy hiểm, bởi tốc độ lây lan nhanh, có thể gây hại trên 80 loài cây trồng, đặc biệt là cây bắp.
 
Điều quan ngại nhất là sâu keo mùa thu có khả năng kháng nhiều loại thuốc trừ sâu, nên rất khó tiêu diệt. Vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, sâu keo mùa thu đã gây hại gần 40ha bắp ở các huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa...
 
Chính vì vậy, bên cạnh việc tập huấn đặc điểm nhận biết và kỹ thuật phòng trừ sâu keo mùa thu, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng khuyến cáo người dân theo dõi kỹ diễn biến gây hại của sâu keo mùa thu, để triển khai các phương án phòng trừ kịp thời.

Cần hành lang quản lý

Tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV rất rõ ràng, nhưng nông dân không thể không sử dụng. Nhất là khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều loại dịch hại mới, nhưng chưa có thuốc phòng trừ, nên người dân vẫn phải sử dụng các loại thuốc BVTV, dù một số loại có chứa hoạt chất độc hại.
 
Thực trạng này, ngoài ý thức và thói quen của người sản xuất, việc quản lý thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập. Đó là việc kiểm soát tồn dư thuốc BVTV chưa triệt để; danh mục thuốc đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc dành cho lúa trong khi các cây khác chưa được ưu tiên; các chính sách thúc đẩy phát triển thuốc BVTV sinh học chưa rõ ràng...

Chính vì vậy, song song với việc khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất an toàn, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách), ngành chức năng cần xây dựng hành lang pháp lý dựa trên cơ sở khoa học và đúng thông lệ quốc tế, tiến tới loại bỏ 30% các loại thuốc BVTV độc hại vào năm 2020, mà không ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như lợi ích doanh nghiệp.

“Cắt giảm và hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc BVTV đã lỗi thời, hiệu lực kém và chuẩn an toàn thấp là cần thiết. Vì vậy, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm. Xem đây là giải pháp hữu hiệu, bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh”, ông Bá cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA


 

.