TRẦN NGỌC CĂNG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
(Báo Quảng Ngãi)- Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1.7.1989, trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Sau 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng tăng cao; tiềm lực kinh tế - xã hội ngày một phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác quản lý điều hành ngày một hiệu quả, chặt chẽ hơn, tạo tiền đề thuận lợi cho chặng đường phát triển tiếp theo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kinh tế tăng trưởng gấp 20 lần
Khi mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; thu nhập bình quân đầu người thấp... Sau 30 năm, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019, ước đạt 54.906 tỷ đồng. So với năm 1989, GRDP gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các doanh nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi năm 2018. ẢNH: PV |
Từ nền kinh tế thuần nông, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn những năm 1990, đến năm 2019, cơ cấu công nghiệp – xây dựng tăng lên 53,01%, dịch vụ 29,83% và nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 17,16%. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, từ mức 909 ngàn đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên mức 1,67 triệu đồng năm 2014 và đạt mức 2,8 triệu đồng/tháng vào năm 2018.
Từ chỗ thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến năm 2009, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách tỉnh tăng đột biến, từ hơn 2.800 tỷ đồng năm 2008, tăng gần gấp đôi lên 5.500 tỷ đồng năm 2009 và tăng lên hơn 16.700 tỷ năm 2010. Đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989.
Trong 30 năm, số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể, từ 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, với 90% là hộ cá thể... Đến nay, đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE, các thiết bị điện tử...
Đã xây dựng thành công các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, KCN VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Với việc sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nguồn nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Trước hết là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, hệ thống thông tin và truyền thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị... Thời gian đầu tái lập tỉnh, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước; năm 1990, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước chỉ khoảng 37,3 tỷ đồng. Đến năm 2005, vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên mức 5.951 tỷ đồng và kế hoạch đạt 43.000 tỷ đồng năm 2019.
Đến nay, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn tỉnh là 9.893km, gấp 7 lần so với thời điểm năm 1989, với tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa trên các tuyến đường quan trọng như quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị gần 100% và 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tại KKT Dung Quất, đã dần hình thành đô thị Vạn Tường (theo tiêu chuẩn đô thị loại V) và đô thị Dốc Sỏi. Tại các huyện cũng đã hình thành và phát triển các đô thị như Đức Phổ, Châu Ổ, Di Lăng... Đến cuối năm 2018, có 105 khu đô thị mới, khu dân cư được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích quy hoạch là 1.474ha, tổng vốn đầu tư 20.607 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tăng từ 14,97% năm 2011, tăng lên 20,55% năm 2018; tỷ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 88%; tỷ lệ cây xanh đô thị đạt 75%.
Vị thế của Quảng Ngãi được nâng cao
Với nỗ lực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi về đất nước, con người, tiềm năng kinh tế, bản sắc văn hóa của quê hương đến với bạn bè quốc tế, Quảng Ngãi đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác trong nước và nước ngoài.
Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều đoàn cấp cao đi trao đổi, tìm hiểu, vận động, xúc tiến đầu tư, quảng bá địa phương ở các nước Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan... Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị truyền thống với các địa phương của nước bạn Lào.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện dự án đường Trì Bình – Dung Quất. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo và sự kiện quốc tế do Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.
Nhờ tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, năm 2018, Quảng Ngãi đã đón tiếp và làm việc với hơn 140 đoàn doanh nghiệp đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có các nhà đầu tư FDI lớn đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,77 tỷ USD, trong đó, có 31/63 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức trao và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 349 triệu USD; giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm.
Điểm nhấn du lịch
Lĩnh vực du lịch của Quảng Ngãi trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều sản phẩm du lịch mới lạ và danh lam thắng cảnh đặc sắc được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Trong đó, Lý Sơn trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, góp phần làm cho lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi tăng mạnh.
Nếu như năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở lưu trú chủ yếu là nhà khách, nhà nghỉ, doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng, với 14.000 lượt khách, phần lớn phục vụ khách công vụ đến làm việc. Đến nay, hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, đã thu hút 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký 3.137 tỷ đồng; các điểm tham quan, du lịch ngày càng được mở rộng. Đến năm 2018, có 25 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 buồng, phòng; đã đón 1 triệu lượt du khách, gấp hơn 70 lần so với năm 1989, doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp 300 lần. Trong đó, riêng Lý Sơn đón hơn 230.000 lượt du khách.
Để ngành du lịch Quảng Ngãi đi đúng hướng và phát triển một cách bền vững, tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá Quảng Ngãi, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến đạt mức trung bình khá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước.
An sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Công tác giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao; giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được đảm bảo. Hệ thống giáo dục từng bước hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, giáo viên được đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư khang trang; chất lượng giáo dục được củng cố, phát triển toàn diện.
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao; mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố về số lượng và chất lượng. Giải quyết việc làm được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả cao. Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế có chiều hướng tăng cao, từ mức 45% năm 1996 lên mức 67% năm 2018. Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm dần qua các năm, đến nay ở khu vực thành thị giảm còn 3,7%, nông thôn còn 8,5%.
Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, nhất là đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội; diện đối tượng trợ giúp xã hội được mở rộng, đảm bảo tất cả các đối tượng yếu thế, diện khó khăn được trợ cấp, trợ giúp; hầu hết các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản khác.
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được tăng cường; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, mà nền tảng là khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu. Đảm bảo an ninh vùng chiến lược, trọng điểm trên địa bàn tỉnh; giữ vững an ninh tuyến núi, tuyến biển, hải đảo. Lực lượng vũ trang được xây dựng đủ số lượng, ngày càng vững mạnh toàn diện, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các lực lượng chuyên trách giữ gìn an ninh, trật tự được bổ sung và tăng cường cả về lượng và chất; năng lực hoạt động của cơ quan điều tra các cấp từng bước được nâng cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thế trận an ninh nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự được củng cố và xây dựng, phát triển sâu rộng.
Đạt được những thành quả to lớn trên là nhờ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được củng cố ngày càng vững mạnh; bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tốt, bảo đảm giữ vững ổn định xã hội.
Tạo đột phá trong thời gian tới
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng trong 30 năm qua, nhưng Quảng Ngãi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Trong bối cảnh những thời cơ thuận lợi và những khó khăn, thách thức to lớn đan xen, để tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước đã đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đòi hỏi ý chí, lòng quyết tâm, sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có trách nhiệm và sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi.
Trong thời gian đến, Quảng Ngãi cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được trong những năm qua, cùng đoàn kết phấn đấu, nỗ lực, tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó, tập trung quyết liệt thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và 3 nhiệm vụ đột phá: Phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng và đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 - 8,5 triệu tấn/năm; các dự án nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Khu liên hợp Giang thép Hòa Phát Dung Quất; khu tổ hợp du lịch của FLC; hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất...
Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng để ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, trước tiên ưu tiên cho vùng sản xuất tập trung.
Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như công trình tưới tiêu, ngăn mặn giữa ngọt, đê điều, cảng neo trú để vừa phục vụ vừa bảo vệ sản xuất. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh liên doanh, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Ba là, tiếp tục phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo. Tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu, Cà Đam...
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển; phát triển kinh tế biển, đảo đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Xây dựng Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Cầu Cửa Đại (TP.Quảng Ngãi) đang được gấp rút thi công. Ảnh: Th.Nhị |
Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn.
Năm là, tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước; sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổ chức điều hành, quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Sáu là, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án: Cầu Cửa Đại; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn Dốc Sỏi – VSIP); Quốc lộ 24B; đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; đường Trì Bình – Dung Quất; cảng Bến Đình; kè chắn cát cảng Dung Quất giai đoạn 2; bến cảng tổng hợp container Hòa Phát – Dung Quất... Tiếp tục huy động nguồn lực từ quỹ đất và nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng đô thị, nhất là dọc đường Mỹ Khê - Trà Khúc và đường bờ Nam sông Trà Khúc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi và kết cấu hạ tầng đô thị cấp huyện.
Bảy là, quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; đề án khuyến khích thoát nghèo tại các xã của huyện Tây Trà, Sơn Tây và nhân rộng cho các địa phương khu vực miền núi...
Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở trong sạch vững mạnh, có năng lực và sức chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nhìn lại chặng đường sau 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng và cũng đặt nhiều kỳ vọng, trách nhiệm lớn hơn trong tương lai./.