(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, mỗi năm Quảng Ngãi dành kinh phí ngân sách và nguồn huy động xã hội để đầu tư xây dựng hệ thống chợ, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đưa chợ vào khai thác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện tại, Quảng Ngãi có 3 chợ cấp 1 là Châu Ổ (Bình Sơn), Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi) và chợ mới Đức Phổ (Đức Phổ). Mỗi huyện đều có chợ trung tâm (trừ huyện Tây Trà) và mỗi xã đều có từ 1 - 3 chợ.
Theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nhiều chợ tạm, chợ xuống cấp tiếp tục được đầu tư xây mới, hoặc nâng cấp để đạt tiêu chí về chợ. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 chợ đang trong quá trình lập phương án đưa vào khai thác; một số chợ sẽ hoàn thành, sắp xếp chỗ buôn bán cho tiểu thương ổn định vào cuối năm.
Chợ Nghĩa Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) xây dựng từ nguồn xã hội hóa đang chuẩn bị đưa vào khai thác. |
Hiện tại, Quảng Ngãi có 15 chợ do doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý. Trong đó, các chợ do DN đầu tư đều rơi vào tình trạng hiệu quả hoạt động không cao. Một số dự án chợ được phê duyệt đầu tư, nhưng thực hiện gặp nhiều vướng mắc, như chợ Thu Lộ, Nghĩa Lộ, Châu Sa (TP.Quảng Ngãi).
Theo quy định, các dự án tư nhân khi triển khai thực hiện trên diện tích đất công phải tổ chức đấu giá, xác định nhà thầu, trong khi Quảng Ngãi lại giao đất cho DN theo hình thức không thông qua đấu giá. Hiện tại, các dự án chợ này đang phải xây dựng lại phương án thực hiện từ đầu.
Vấn đề đưa chợ vào khai thác cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như chợ Quảng Ngãi, mặc dù được xác định là "công trình cấp thiết", tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành, ổn định mua bán cho tiểu thương sau khi chợ cũ bị cháy. Thế nhưng, theo Ban Quản lý chợ Quảng Ngãi, hiện tại vẫn còn hơn 100 lô sạp chưa đưa vào hoạt động; một số lô sạp dù có người đấu giá trúng nhưng không kinh doanh.
"Ban Quản lý chợ đang nghiên cứu chuyển đổi, bổ sung chức năng kinh doanh của một số ngành hàng để phù hợp với nhu cầu thực tế; tổ chức thêm nhiều dịch vụ miễn phí để thu hút người dân vào chợ mua sắm", Giám đốc Ban Quản lý chợ Quảng Ngãi Phan Xuân Hoanh cho biết.
"Nhiều chợ mới xây khang trang, nhưng người dân, tiểu thương không vào họp chợ là do chợ xây ở vị trí không phù hợp, hoặc giá thuê lô sạp cao, việc tổ chức kinh doanh ngành hàng chưa hợp lý... Ngoài ra, chợ truyền thống hiện nay còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các hình thức mua bán hiện đại, tiện ích, khiến chợ mất đi một lượng khách hàng lớn. Điều này cần phải tính kỹ khi quyết định xây mới chợ trên địa bàn tỉnh, tránh xảy ra tình trạng chợ xây xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí". Giám đốc Sở Công thương VÕ ĐÌNH TRÀ |
Chợ Đức Phổ, Châu Ổ cũng trong tình cảnh tương tự. Đây là hai chợ tư nhân, được DN đầu tư quy mô, song khi đưa vào khai thác vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Tiểu thương cho rằng giá thuê lô sạp quá cao, trong khi lợi nhuận buôn bán trong chợ ngày càng giảm, nên nhiều người không vào chợ thuê ki-ốt để kinh doanh.
Đối với chợ cấp xã, nhiều chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa cũng không thành công. Điển hình là chợ Bình Hải (Bình Sơn), sau một thời gian hoạt động thì nay đã đóng cửa, bỏ hoang, trong khi người dân lại buôn bán ở những khu chợ tự phát, gây cản trở giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hay ở huyện Tư Nghĩa, hiện có một chợ xã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa là chợ Nghĩa Hiệp, do Ban Quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia xã Nghĩa Hiệp làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Chợ hoàn thành vào cuối tháng 3.2019, nhưng đến nay vẫn chưa đưa tiểu thương từ chợ cũ về chợ mới được.
Bài, ảnh: THANH NHỊ