(Báo Quảng Ngãi)- Dịch tả heo Châu Phi (ASF) đã xuất hiện ở 55 tỉnh, thành trong cả nước và tiếp tục lây lan, bùng phát, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Thế nhưng, công tác ứng phó và dập dịch hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Toàn tỉnh hiện có 4 ổ dịch ASF, buộc tiêu hủy 239 con heo ở các xã Bình Thạnh (Bình Sơn), Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), Trà Thủy (Trà Bồng) và Đức Hòa (Mộ Đức).
Băn khoăn khi tiêu hủy, chôn lấp
Heo mắc bệnh ASF buộc phải tiêu hủy và chôn lấp, nên cần huy động khá đông lực lượng và phương tiện tham gia, để vừa xử lý nhanh số heo mắc bệnh, vừa tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh ổ dịch. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm chôn lấp cũng là một vấn đề nan giải. “Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tiêu hủy và chôn lấp heo mắc bệnh ưu tiên thực hiện trong khu vực nhà. Còn đối với những trang trại lớn, số lượng heo mắc bệnh nhiều, thì phải chọn địa điểm tiêu hủy xa khu vực dân cư”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết.
Tiêu hủy heo mắc bệnh ASF. |
Tuy nhiên, người dân băn khoăn việc tiêu hủy, chôn lấp heo bị bệnh ASF sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Số lượng heo tiêu hủy lên đến 130 con, nhưng cũng chỉ đào hố, rắc vôi, rồi... lấp, nên tôi lo sẽ bốc mùi hôi thối, vì gần khu dân cư. Hơn nữa, việc di chuyển heo đi tiêu hủy và chôn lấp cũng dễ lây lan dịch bệnh”, ông N.V.H, ở xã Đức Hòa cho biết. Nhưng theo ông Ngô Hữu Hạ, độ sâu và xử lý hố chôn theo đúng quy định, nên đến thời điểm này, một số điểm chôn lấp heo mắc bệnh ASF chưa phát sinh mùi hôi thối.
Còn việc di chuyển heo bệnh đến nơi tiêu hủy, chôn lấp phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình, từ bọc lót xe đến phun hóa chất, khử trùng trên suốt tuyến đường. Tuy nhiên, vì dịch ASF còn diễn biến phức tạp, nên về lâu dài, việc tìm địa điểm để chôn lấp heo bệnh, heo chết là khá nan giải. Bởi theo quy định, việc lựa chọn địa điểm chôn lấp phải hỏi ý kiến người dân trong khu vực, nhưng nếu thực hiện việc này, thì không kịp xử lý dịch bệnh trong vòng 24 giờ.
"Để vừa đảm bảo mức giá hỗ trợ không dưới 38 nghìn đồng/kg, tránh xảy ra tình trạng trục lợi hỗ trợ (trường hợp giá hỗ trợ cao hơn giá thị trường), tỉnh sẽ áp dụng mức hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường. Nếu thiếu, tỉnh sẽ trích từ nguồn Quỹ Dự phòng thiên tai để chi trả. Việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách". Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH |
Chờ kinh phí hỗ trợ
Thời điểm dịch ASF mới xuất hiện, giá heo hơi đang ở mức 50 - 55 nghìn đồng/kg, trong khi giá hỗ trợ đối với heo thịt bị tiêu hủy là 38 nghìn đồng/kg được cho là thấp, khiến người chăn nuôi giấu dịch, bán tháo heo bệnh ra thị trường. Vì vậy, sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 16, ngày 7.3.2019 về mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân trọng lượng heo, để đảm bảo công bằng và chính xác nhất.
Vấn đề là sau khi dịch ASF bùng phát và lây lan, giá heo hơi giảm mạnh, hiện chỉ còn 37-38 nghìn đồng/kg, nên nếu áp dụng mức giá hỗ trợ theo Nghị quyết 16, người chăn nuôi chỉ được hỗ trợ 30 - 31 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Tài chính vẫn chưa ban hành giá “sàn”, làm cơ sở áp giá hỗ trợ cho các hộ dân có heo mắc bệnh ASF. Trong khi đó, tỉnh chỉ mới bố trí 4,6 tỷ đồng để mua hóa chất, trang thiết bị phục vụ việc ứng phó với bệnh ASF, chứ chưa phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, cũng như chi phí thực hiện việc tiêu hủy, chôn lấp.
Ngoài ra, để thống nhất chi phí hỗ trợ thiệt hại, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42 về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh dịch ASF. Theo đó, các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương ở thời điểm hỗ trợ, để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 80% mức hỗ trợ thiệt hại đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. Đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, thì ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại, ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do dịch ASF.
Cần thu mua heo trước khi bị dịch
Đến thời điểm này, dịch ASF đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy gần 2,5 triệu con. Điều này khiến lượng heo bị hao hụt, nên giá heo hơi hiện nay đang tăng dần, từ 37 - 38 nghìn đồng/kg, kéo theo giá thịt heo cũng bắt đầu tăng nhẹ. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT nhận định, tình hình dịch ASF vẫn tiếp tục lây lan, nên dự báo thời gian đến, nguồn cung thịt heo sẽ khan hiếm, kéo theo giá sẽ tiếp tục tăng, nhất là thời điểm cuối năm và tết Nguyên đán.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương đã xây dựng phương án thu gom heo để giết mổ, cấp đông tạm trữ phòng trường hợp dịch ASF kéo dài. Theo đó, dự kiến sẽ hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp (DN) tham gia thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo sẽ được hỗ trợ 10 nghìn đồng/kg. “Heo mắc bệnh ASF buộc phải tiêu hủy, nên thiệt hại vô cùng lớn.
Vì vậy, thay vì đợi heo mắc bệnh, rồi tốn kém hàng loạt chi phí để tiêu hủy, chôn lấp và hỗ trợ cho người chăn nuôi, thì việc thu mua heo sạch, giết mổ và cấp đông thịt heo được xem là giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế, đảm bảo nguồn thịt để bình ổn thị trường, góp phần giảm thiểu thiệt hại do heo bị bệnh phải tiêu hủy”, ông Hạ cho biết.
Không những thế, việc thu mua heo sạch, giết mổ và cấp đông sẽ giảm áp lực ngân sách hỗ trợ tiêu hủy heo, mà còn giảm ô nhiễm môi trường do chôn lấp heo bệnh. Bởi thiệt hại do bệnh ASF gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí mua hóa chất sát trùng, hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy và công tác tiêu hủy.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn Các DN, cơ sở kinh doanh thịt heo lo ngại giá thịt cấp đông sẽ cao hơn thông thường, vì phát sinh phí lưu kho, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông... Vì vậy, để tránh tình trạng trục lợi đẩy giá thịt tăng cao, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay để các DN, cơ sở mạnh dạn tham gia thu mua heo sạch, cấp đông dự trữ; cam kết tiêu thụ số lượng thịt này cho DN, các cơ sở tham gia thông qua các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt, từ thịt “nóng” sang đông lạnh. |
Bài, ảnh: MỸ HOA