Cây đậu phộng bén duyên với nông dân miền núi

10:05, 31/05/2019
.
(Baoquangngai.vn) - Đậu phộng là cây trồng truyền thống của nông dân ở đồng bằng nay đã bén duyên với nông dân miền núi. Sản phẩm dầu phộng của nông dân xã miền núi Sơn Cao (Sơn Hà) lại ngược dòng về xuôi, có mặt ở khắp nơi, thậm chí vào tận TP. Hồ Chí Minh.
                    Cây đậu phộng lên núi
 
Đã 2 năm qua, cây đậu phộng, loại cây trồng truyền thống của người dân miền xuôi đã bén duyên trên vùng đất núi Sơn Cao. Vụ đông xuân 2018, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, xã Sơn Cao đã triển khai thí điểm mô hình trồng đậu phộng xen cây mì.
 
Mô hình được thực hiện trên diện tích 7ha, với 25 hộ dân tham gia. Người được phân công, giám sát theo dõi mô hình là anh Trần Đình Vũ, cán bộ văn phòng UBND xã, nguyên là đội viên Dự án 600 tri thức trẻ, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm, người đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm.
 
Đây là lần đầu tiên nông dân xã miền núi Sơn Cao trồng thử nghiệm cây đậu phộng xen cây mì trên đất nà thổ. Dự án đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây đậu phộng cho bà con.
 
Giống đậu phộng mà bà con sử dụng là giống đậu sẻ Gia Lai. Giống đậu này thích nghi với điều kiện khí hậu ở miền núi hơn là các giống đậu phộng lai. Anh Vũ đã vận động bà con thực hiện đảm bảo quy trình sản xuất đã đưa ra, từ khâu xử lý đất, lên hàng, xuống giống, bón phân, chăm sóc…
 
Cây đậu phộng đã bén duyên với nông dân xã miền núi Sơn Cao.
Cây đậu phộng đã bén duyên với nông dân miền núi.
 
Vụ đầu tiên trồng thí điểm, nông dân tỏ ra phấn khởi khi nhận thấy vùng đất này phù hợp với cây đậu phộng, chịu hạn tốt, dễ chăm sóc. Sau gần 4 tháng gieo trồng ,bà con phấn khởi thu hoạch lứa đậu phộng đầu tiên. Thân, lá cây đậu phộng mang về làm thức ăn cho bò hoặc sử dụng làm phân xanh. 
 
Anh Vũ chia sẻ: “Trước giờ, nông dân chỉ quen với việc trồng lúa, trồng mì, trồng mía… Khi bắt tay vào mô hình, bà con mới thấy việc gieo trồng, chăm sóc cây đậu phộng cũng dễ dàng, không phức tạp”.
 
Vui nhất là gia đình ông Đinh Văn Phoá tham gia mô hình với 1,5ha, ông bán được 50 triệu đồng tiền đậu phộng cộng với gần 70 triệu đồng thu hoạch cây mì, nếu bám vào cây mía như những năm trước, ông Phóa chỉ thu được gần 30 triệu đồng.
 
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Sơn Cao, ông Đinh Văn Phăng, với diện tích đất sản xuất này, những năm trước vì thiếu nước nên bà con bỏ hoang, rồi trồng mía, nhưng cây mía dần rớt giá, thô lỗ. Khi trồng xen thêm cây Đậu phộng bà con” vỡ òa”  vì hiệu quả hơn rất nhiều. 
 
Năng suất thực thu khi phơi khô của đậu phộng đạt 20 tạ/ha, bấy nhiêu chưa thể sánh bằng với ở miền xuôi, nhưng tính cả cây mì, mỗi sào cho thu nhập từ 3,7 - 3,8 triệu đồng/sào. Đây là mức thu nhập cao cho với nông dân miền núi.
 
                   Dầu phộng miền núi về xuôi
 
Để có sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo niềm tin cho khách hàng, anh Vũ đề nghị bà con thực hiện đảm bảo quy trình sản xuất an toàn cho đậu nguyên liệu, cách chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn, hái đậu bằng thủ công, tránh dập nát, loại bỏ những hạt đậu lép, kém chất lượng, phơi khô, đảm bảo 4 nắng trở lên trước khi xuất bán.
 
Sản phẩm dầu phộng ép nguyên chất của chị Cao Thị Hạnh  đang trong tình trạng cháy hàng.
Sản phẩm dầu phộng ép nguyên chất của chị Cao Thị Hạnh đang trong tình trạng cháy hàng.
 
Đặc biệt toàn bộ số đậu phộng khô của bà con sản xuất ra được HTX DV NN Sơn Cao, giới thiệu xã viên của HTX là thương lái trên địa bàn liên kết thu mua, chế biến ép dầu bằng thủ công thành dầu phụng nguyên chất, đảm bảo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. 
 
Dầu phụng miền núi có độ tinh khiết, mùi thơm rất ngọt ngào mà các vùng đất khác ít có được. Chị Phan Thị Hạnh, một người chuyên thu mua đậu phộng khô của người dân ép thành sản phẩm dầu phộng cho biết, một mùa chị thu mua được 12 - 15 tấn, bà con bán bao nhiêu chị thu mua bấy nhiêu. 
 
Đậu phộng thu mua được, chị mang về ép thủ công thành sản phẩm dầu phộng nguyên chất. Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của nông dân Sơn Cao, chị đã đăng ký cả nhãn hiệu, gửi đi trưng bày ở rất nhiều hội chợ, hội nghị… và được khách hàng đặc biệt ưa chuộng. 
 
Giá bán của sản phẩm là 95.000 đồng/lít. Chỉ trong vòng 1 tháng, chị Hạnh xuất bán toàn bộ số lượng dầu ép được. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở huyện Sơn Hà mà khắp các huyện đồng bằng, đến tận TP.Hồ Chí Minh. 
 
 
Sản phẩm đưa đi tiêu thụ khắp nơi, được khách hàng ưa chuộng.
 
Theo chị Hạnh, hiện nay, sản phẩm dầu phộng nguyên chất của mình đang trong tình trạng cháy hàng, có rất nhiều đơn đặt hàng từ các đại lý lớn trong tỉnh và cả ngoài tỉnh, nhưng không có sản phẩm để bán. 
 
Nhiều khách hàng tin tưởng về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất chế biến được cán bộ của HTX DV NN Sơn Cao đánh giá rất kỹ lưỡng, kiểm tra điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, ký hợp đồng chế biến.
 
Được sự ưa chuộng của khách hàng là nhờ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm vượt trội. Giống đậu sẻ Gia Lai nhìn bằng mắt thường hạt nhỏ hơn giống đậu lai cao sản, nhưng khi ép thành dầu phộng chất lượng vượt trội, tinh khiết hơn, màu sắc trong hơn và thơm ngon hơn. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao, ông Trần Văn Chung cho biết, sau 2 vụ trồng thử nghiệm, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân trên cùng một đơn vị diện tích, bước đầu hình thành vùng chuyên canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở miền núi. 
 
Mô hình cũng mở ra hướng sản xuất bền vững, nâng cao nhận thức cho nông dân. Sắp tới địa phương sẽ triển khai nhân rộng mô hình, chú trọng đến khâu liên kết, từ sản xuất, chế biến, đói gói, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Góp phần tạo một hướng đi mới, bền vững cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.