(Báo Quảng Ngãi)- Dịch bệnh, chất lượng con giống, thời tiết diễn biến bất thường là những âu lo thường trực của người dân khi bước vào vụ nuôi thủy sản năm 2019.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người nuôi tôm ngập ngừng
Vụ nuôi tôm mới đã diễn ra gần 1 tháng, nhưng vì lo dịch bệnh, nên người nuôi tôm ven biển trong tỉnh ngập ngừng lựa chọn đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng hay tôm sú. Nguyên nhân là do năm 2018, toàn tỉnh có gần 36,6ha tôm bị chết do dịch bệnh, chủ yếu là bệnh phân trắng. Thời gian qua, lại có thêm 1,37ha tôm 20 – 30 ngày tuổi bị thiệt hại.
Theo xác định của ngành chuyên môn, nguyên nhân tôm chết một phần vì dịch bệnh, phần do người dân thả nuôi trước lịch thời vụ, nên môi trường và thời tiết không ổn định, khiến tôm bị bệnh đốm trắng.
Ngoài dịch bệnh, chất lượng con giống, người nuôi thủy sản lồng bè cũng thấp thỏm lo vỡ bè mỗi khi xảy ra thiên tai. |
Tuy nhiên, người nuôi tôm không đồng tình với lý giải trên. “Tôm chết có nhiều nguyên nhân, chứ không phải lỗi do người dân thả nuôi trước lịch thời vụ. Nếu nhà nước quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, quản lý con giống hiệu quả, chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro”, ông N.T.T, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho hay.
Theo ông T, vùng nuôi tôm xã Đức Phong lâu nay thiếu hệ thống kênh cấp, thoát nước; bờ ao nuôi bằng đất phủ bạt nên thẩm lậu nước; không có ao lắng, không có hệ thống xử lý nước thải, nên môi trường bị ô nhiễm... ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm.
Bên cạnh đó, khi tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh, nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp hoành hành, ngành chuyên môn lại khuyến cáo người dân nuôi tôm sú. Đến khi tôm sú cũng chết vì dịch bệnh, hoặc rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, ngành chức năng lại khuyến cáo nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. “Treo hồ cũng tiếc, mà nuôi tôm thì đắn đo giữa tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, vì tôm nào cũng dễ chết vì dịch bệnh, thời tiết, môi trường ô nhiễm, kể cả chất lượng con giống cũng không ổn định”, ông Bùi Văn Tuấn, ở xã Đức Phong cho biết.
Chủ lồng bè cũng thấp thỏm
Năm 2018, người nuôi thủy sản lồng bè trong tỉnh bị thiệt hại nặng, khi có gần 62 nghìn con cá cam, cá bớp nuôi biển bị chết do môi trường nuôi bị ô nhiễm, hoặc lồng bè bị sóng đánh vỡ. Bên cạnh đó, chất lượng con giống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá bị chết. Hiện nay, phần lớn các hộ nuôi thủy sản lồng bè ở huyện đảo Lý Sơn đều nhập cá bớp giống, cá cam giống từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hoặc Khánh Hòa, nên tỷ lệ hao hụt và chất lượng con giống phụ thuộc hoàn toàn vào... uy tín của cơ sở bán giống!
Điều đáng nói là, Trung tâm Giống Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) hiện đã ươm nuôi và sản xuất thành công cá bớp giống, nhưng người dân lại... chê! “Dù đỡ tốn chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng cá bớp giống do các đơn vị trong tỉnh sản xuất không đồng đều về chất lượng. Vì vậy, sau một thời gian nuôi, cá phát triển không đồng nhất về kích cỡ, trọng lượng, nên thương lái loại thải rất nhiều”, ông Bùi Văn Lý, ở xã An Hải (Lý Sơn), chia sẻ. Chính vì vậy, cứ đến vụ nuôi cá bớp, ông Lý lại lặn lội vào tỉnh Khánh Hòa, hoặc “nhờ” bạn hàng gửi con giống cá bớp, thay vì đặt mua tại các cơ sở trong tỉnh.
Tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng giá trị thủy sản lồng bè mang lại cho người dân các địa phương ven biển là rất lớn. Như huyện đảo Lý Sơn, năm 2018, thủy sản lồng bè đã đem lại nguồn thu trên 10 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản lồng bè, người dân cần tuân thủ quy hoạch vùng nuôi và đầu tư xây dựng các lồng bè kiên cố, chất lượng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi trồng trên biển có khả năng ứng phó với thiên tai, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Bài, ảnh: THANH PHONG