(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu, nhằm hạn chế thiệt hại do khô hạn, góp phần ổn định thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần tuân thủ quy hoạch và hướng dẫn của ngành chuyên môn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tránh điệp khúc kêu gọi “giải cứu”
Dưa hấu là một trong những cây trồng được nông dân lựa chọn sản xuất trong vụ hè thu. Bởi lẽ, bên cạnh việc “né” hạn, dưa hấu còn hứa hẹn mang lại thu nhập khá cho người dân. Vì vậy, nhiều năm qua, diện tích dưa hấu trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng, năm 2013 chỉ có vài chục hecta, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên gần 700ha.
Việc phát triển diện tích dưa hấu ồ ạt, tự phát, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, do đầu ra của dưa hấu bấp bênh. Đây cũng là lý do mà ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương không đưa dưa hấu vào sản xuất đại trà.
Tuy đầu ra sản phẩm bấp bênh, nhưng diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. |
Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, cứ vào chính vụ thu hoạch dưa hấu là xảy ra tình trạng kêu gọi "giải cứu", vì sản phẩm dưa ứ đọng, giá bán giảm sâu. Nhưng nghịch lý là, càng giải cứu, diện tích trồng dưa hấu năm sau lại cao hơn năm trước. “Chi phí đầu tư trồng dưa hấu thấp, chủ yếu là lấy công làm lời. Vì vậy, nếu may mắn trúng một vụ thì cũng đủ bù cho ba vụ mất mùa!”, ông Dương Văn Luyến, hộ trồng dưa hấu ven sông Trà Khúc lý giải.
Năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi trên 770ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn, chủ yếu là bắp, đậu và rau các loại. So với năm 2017, diện tích chuyển đổi giảm trên 970ha. Nguyên nhân một phần là do người dân chuyển sang trồng dưa hấu và ớt, trong khi hai đối tượng cây trồng này không được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương khuyến khích phát triển. |
Tuân thủ quy hoạch và đối tượng cây trồng
Đó là khuyến cáo của ngành nông nghiệp khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ sản xuất hè thu 2019. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, sở dĩ có tình trạng “ngành chức năng khuyến cáo một đằng, nông dân làm một nẻo” là do công tác tuyên truyền chưa đến được với nông dân.
“Xã cũng chỉ phổ biến chung chung là nên trồng bắp, đậu phụng, hay mè, chứ đâu hướng dẫn cụ thể là vùng nào, diện tích bao nhiêu là phù hợp. Nếu ai cũng chuyển sang sản xuất các loại cây trồng trên, thì xảy ra tình trạng ứ đọng sản phẩm là điều tất yếu”, ông Nguyễn Văn Hùng, xã Đức Phú (Mộ Đức) chia sẻ.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất trong điều kiện khô hạn, thì ngành nông nghiệp và chính quyền cơ sở phải “cùng hướng” với người nông dân. Đó là, tăng cường chỉ đạo chuyên môn cũng như tuyên truyền cho người dân về những mối nguy hại của việc chuyển đổi cây trồng theo kiểu phong trào, tự phát; đồng thời công bố quy hoạch và thường xuyên rà soát, “hậu kiểm” công tác thực hiện quy hoạch, để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp “vượt rào quy hoạch”.
“Mấu chốt hiện nay là phải tìm được đầu ra cho các sản phẩm, thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới hóa để giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phạm Bá khuyến cáo.
Bài, ảnh: MỸ HOA