(Báo Quảng Ngãi)- Mua bán, vận chuyển sản phẩm thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và khai thác nguồn lợi trái phép trong khu vực cấm, là những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì thiếu hành lang pháp lý và Luật Thủy sản 2017 cũng chưa được cụ thể hóa, nên gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý vi phạm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2018, UBND huyện Lý Sơn xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị L, ở xã An Hải 10 triệu đồng, vì mua bán rùa biển. Theo đó, cá thể rùa biển nặng 56kg được bà L mua của một ngư dân, để vận chuyển vào đất liền tiêu thụ. Tổ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Lý Sơn phát hiện, lập biên bản thu giữ con rùa và thả về môi trường tự nhiên.
Không chỉ khai thác hải sản trong những khu vực cấm, mà tàu hành nghề lưới rê vẫn gắn "máy tời kéo lưới" để hành nghề lưới kéo, nghề bị cấm phát triển. |
Trước đó, lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện 6 cá thể rùa biển (5 cá thể rùa loại vích và 1 cá thể rùa loại đồi mồi), do người dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) bắt lên bờ, với tổng trọng lượng khoảng 45kg. Đây là 6 cá thể rùa quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Vì vậy, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thả 6 cá thể rùa trên ra biển; đồng theo dõi quá trình di cư và sinh trưởng của chúng thông qua thẻ định dạng.
Hiện nay, tình trạng mua bán, vận chuyển các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép, hoặc trong khu vực cấm còn xảy ra, với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, công tác xử lý hiện đang gặp nhiều khó khăn, vì thiếu cơ sở và chế tài. Mới đây, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn và Trạm 2 Cảnh sát biển Lý Sơn đã phát hiện hai chiếc tàu có hành vi khai thác hải sản trái phép trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn. Sau khi kiểm tra, Chi cục Thủy sản còn phát hiện hai chiếc tàu trên đăng ký hành nghề câu và lưới rê, nhưng thực tế lại hoạt động nghề lưới kéo (giã cào), nghề bị cấm phát triển.
Theo quy định tại Nghị định 103/2013 của Chính phủ, hai tàu cá trên bị xử phạt 25 triệu đồng và tịch thu toàn bộ ngư lưới cụ. “Nhưng vì Nghị định 103 hiện đã hết hiệu lực, trong khi Nghị định 26/2019 của Chính phủ chỉ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, chứ chưa đề cập đến các chế tài xử lý. Chính vì vậy, chúng tôi không đủ cơ sở để xử lý hai tàu vi phạm vùng khai thác”, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho biết.
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Ủy ban Châu Âu đã đề nghị Chính phủ Việt Nam tăng mạnh mức xử phạt hành chính đối với những vi phạm của ngư dân. Tuy nhiên, dù đã được đưa vào Luật Thủy sản 2017, nhưng đến thời điểm này, nội dung trên vẫn chưa được “cụ thể hóa”, nên lực lượng chức năng không có cơ sở để quản lý và xử lý những vi phạm. “Hiện giờ, chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, phổ biến tên, đặc điểm của những đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm cũng như công bố rộng rãi những khu vực bị cấm khai thác hải sản, để ngư dân biết và chấp hành”, ông Phùng Đình Toàn cho hay.
Bài, ảnh: THANH PHONG