(Báo Quảng Ngãi)- Nông sản Quảng Ngãi được đánh giá là chất lượng, nhưng đầu ra không ổn định. Do đó, việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản rất cần sự vào cuộc hiệu quả của chính quyền và các đơn vị, tổ chức thu mua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xây dựng nhãn hiệu cho nông sản
Địa phương đầu tiên được tỉnh phối hợp với doanh nghiệp (DN), HTX tổ chức chuyến xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản ra nước ngoài (Trung Quốc) là huyện Bình Sơn. Kết quả xúc tiến không phải mang về ngay những hợp đồng kinh tế, song sau chuyến đi ấy, những kiến thức về sản xuất nông sản xuất khẩu đã được cập nhật, sẵn sàng cho hành trình chinh phục thị trường tiềm năng này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết: "Muốn xuất khẩu nông sản phải xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để truy xuất nguồn gốc xuất xứ; phải chọn thời điểm trồng, thu hoạch vào lúc bên Trung Quốc không phải chính vụ, bởi cây trồng ở Việt Nam gần giống như ở Trung Quốc. Việc xuất khẩu nông sản phải thông qua một đơn vị có tư cách pháp nhân, đảm bảo việc giao kết hợp đồng hợp pháp, tránh thiệt hại có khả năng xảy ra".
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm "Nén Bình Phú" . |
Sau chuyến xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, điều đầu tiên Bình Sơn học tập, triển khai trên địa bàn đó là xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho hàng loạt sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể là "Nén Bình Phú". Tháng 5.2019, Bình Sơn sẽ tiếp tục công bố nhãn hiệu tập thể cho "Hành tím Bình Hải".
Từ nay đến cuối năm, huyện cũng sẽ tiếp tục công bố các nhãn hiệu tập thể cho "Nghệ vàng Bình Châu"; "Chả cá Bình Châu", "Nước mắm Bình Đông". Mỗi sản phẩm nông sản đều gắn với nhãn hiệu, để khi đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của "hàng rào kỹ thuật", đó là việc truy xuất nguồn gốc. Để quảng bá sản phẩm nông sản, Bình Sơn có chiến lược tổ chức những "cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm" tại nơi có sản phẩm được công bố nhãn hiệu tập thể.
Cần sự trợ lực từ chính quyền
Trên thực tế, việc tổ chức xúc tiến thương mại cho nông sản không phải địa phương nào cũng làm được. Nơi nào chính quyền ít quan tâm, nơi ấy nông sản muốn xuất ra thị trường lớn đều phải qua thương lái thu mua với giá rẻ. Thậm chí, giá bán của nông dân chỉ bằng 1/3 giá mà các thương lái bán ra thị trường. Một số địa phương, chính quyền không hỗ trợ xúc tiến thương mại, thị trường bị tư thương thâu tóm, có những thời điểm gây bất ổn trong tiêu thụ nông sản. Song, cũng không loại trừ một số nơi chính quyền đứng ra tổ chức xúc tiến thương mại, nhưng cách làm không hiệu quả, người nông dân, HTX và cả DN nản lòng, tự họ tách ra tìm kiếm thị trường mới.
Không ít trường hợp, DN tự tìm hiểu thị trường, lịch hội chợ triển lãm và đăng ký tham gia, đưa hàng hóa đến quảng bá, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ. Bởi họ cho rằng, tham gia với chính quyền, cơ quan chức năng thường không hiệu quả, trong khi bản thân DN muốn xúc tiến thương mại thật sự. Rất nhiều DN sau khi tham gia xúc tiến thương mại cùng chính quyền đã không có ý định hợp tác tiếp lần thứ 2.
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà, hiện tại có rất nhiều khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực, phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng do không có kinh phí, nên không thể phê duyệt để thực hiện.
"Điểm sáng" Sơn Hà Thời gian qua, chính quyền huyện Sơn Hà đã tích cực xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản. Đến nay, huyện đã có 9 sản phẩm nông sản, thịt gia cầm, gia súc có nhãn hiệu hàng hóa tập thể vào được hệ thống Big C trên toàn quốc, với lượng tiêu thụ ổn định. Đặc sản vùng cao Sơn Hà đã thoát ra khỏi thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ, giá rẻ, để đến với siêu thị, mức giá bán phù hợp. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào Hrê đã có cuộc sống ổn định hơn trước. |
Bài, ảnh: THANH NHỊ