Niềm tin từ chuỗi cung ứng nông sản

09:04, 18/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển điểm bán nông sản an toàn, xây dựng chuỗi liên kết từ nuôi trồng, sơ chế, phân phối, tiêu thụ... không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

TIN LIÊN QUAN

Nông dân thay đổi cách làm

 Tháng 9.2017, ông Nguyễn Văn Ngôn, ở thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) tham gia vào Hợp tác xã Tân Hòa Phú (HTX). Hơn 7 tháng qua, ông Ngôn nắm rõ quy trình nuôi heo phải đảm bảo các tiêu chí, như không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng chất kích thích tăng trọng. Ông còn là thành viên tích cực hướng dẫn các hộ dân khác thay đổi cách nuôi heo.

 

Xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.

Những ngày qua, HTX Tân Phú Hòa đã mở các cửa hàng bán thịt heo nuôi bằng thức ăn thảo dược tại TP.Quảng Ngãi và xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm thịt heo có nguồn gốc. Trung bình những ngày mới khai trương, cửa hàng tại TP.Quảng Ngãi bán từ 50 – 60kg thịt/ngày. Ông Ngôn cho hay: “Nuôi heo sử dụng thức ăn tự nhiên như bắp, cám, cá khô, cỏ voi và cám thảo dược heo chậm lớn hơn và chi phí cao, nhưng chất lượng thịt heo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”.

“Khâu vận chuyển là một trong những khó khăn lớn nhất, phải đảm bảo các loại rau tươi sống, chất lượng, đạt tiêu chuẩn Big C kiểm tra. Trong khi đó, người dân chưa từng tiếp cận và bán sản phẩm theo quy cách hàng hóa yêu cầu của Big C. Con số doanh thu gần 250 triệu đồng đối với đồng bào vùng cao, tuy còn ít, nhưng đó là kết quả của những nỗ lực, cố gắng mà lãnh đạo địa phương, tư vấn dự án và sự hợp tác của người dân”.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Giảm nghèo  Tây Nguyên huyện Sơn Hà DƯƠNG NGỌC THẠCH
Để thịt gà đạt tiêu chuẩn chất lượng do hệ thống Siêu thị Big C yêu cầu, anh Đinh Văn Thấp, ở thôn Gia Ri, xã Sơn Trung (Sơn Hà) cũng tuân thủ kỹ thuật nuôi gà chăn thả tự nhiên. “Đàn gà nhà mình chỉ dùng thức ăn tự nhiên, thả dưới rừng keo, nên thịt chắc, thơm ngon hơn so với dùng thức ăn công nghiệp”, anh Thấp nói. Hộ gia đình anh Thấp là một trong những nhóm hộ nuôi gà mà Ban Quản lý dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện Sơn Hà (Dự án) kết nối với hệ thống Siêu thị Big C.

Đưa sản vật miền núi vào siêu thị

Ngoài gà kiến, các loại rau rừng thu hái tự nhiên, như rau dớn, rau bồ ngót rừng, bắp chuối, rau ranh ở miền núi Sơn Hà cũng đã chính thức lên kệ Siêu thị Big C tại Quy Nhơn, Đà Nẵng và Huế vào 21.1.2018. Từ ý tưởng đến triển khai chỉ trong vòng vài tháng, những loại rau rừng có giá từ 25-40 nghìn đồng/kg, góp phần mang lại thu nhập cho đồng bào Hrê.

Cứ đều đặn hai ngày, Siêu thị Big C lại gửi đơn hàng về Ban quản lý dự án. Sau khi nhận đơn hàng, tư vấn phụ trách chuyển thông tin số lượng, loại rau đến người dân để người dân thu hái. Mọi công đoạn từ phân loại, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến siêu thị hoàn thành trước 23 giờ. Ông Nguyễn Tấn Vĩ, tư vấn phát triển cho hay, các hộ gia đình được chia thành từng nhóm hộ rau rừng, nhóm hộ nuôi gà, nhóm hộ rau hữu cơ, nhóm hộ chăn nuôi... Mỗi nhóm có một hộ làm nhóm trưởng. Đơn hàng thực hiện luân phiên từng hộ, để đảm bảo thu nhập cho các gia đình.

Tính đến đầu tháng 4, hơn 1.000kg rau dớn, 135kg ớt xiêm rừng, 216kg bồ ngót rừng, gần 1.500kg gà kiến đã cung ứng cho hệ thống Siêu thị Big C, bước đầu mang lại hướng đi mới, tạo ra chuỗi liên kết từ người dân đến những hệ thống bán lẻ có quy mô lớn.

Ngoài kết nối với hệ thống Siêu thị Big C, những sản phẩm của đồng bào Hrê còn bày bán tại các hội chợ hàng Việt trong tỉnh. Ban Quản lý dự án xây dựng trang web và mạng xã hội giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 

.