(Báo Quảng Ngãi)- “Gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái sẽ tăng cao giá trị nông sản. Vì bên cạnh sản phẩm hàng hóa, nông sản còn là sản phẩm du lịch. Hơn nữa, nông nghiệp gắn với du lịch còn tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân gắn bó với nông thôn hơn”, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Đan Miền Trung Phạm Quốc Tuấn, cho biết.
TIN LIÊN QUAN
Nhìn từ Quảng Nam
Chỉ 20ha, với hơn 200 hộ dân chuyên sản xuất các loại rau ăn lá và rau gia vị, nhưng làng rau Trà Quế đã trở thành một trong những điểm hấp dẫn du khách bậc nhất của TP.Hội An. Bởi lẽ, ngoài điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, đặc biệt rau gia vị ở Trà Quế có mùi vị đặc trưng, không lẫn với các địa phương khác, thì yếu tố then chốt là sự liên kết của “4 nhà” rất chặt chẽ. Trong đó, phải kể đến vai trò của nông dân trong việc tuân thủ quy trình sản xuất rau sạch, đảm bảo chất lượng, để duy trì thương hiệu.
Tại làng rau Trà Quế, tuyệt đối không có tình trạng nông dân sản xuất kiểu “mì ăn liền”, hoặc tùy tiện sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Vì vậy, đến với làng rau Trà Quế, du khách không lo hít phải hóa chất độc hại, mà thoải mái trải nghiệm các hoạt động sản xuất, được nông dân tận tình hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rau... Nhờ các hoạt động “bên lề” này, mà thu nhập của người dân ở làng rau Trà Quế tăng lên đáng kể.
Sản phẩm măng tây sạch ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, khu vực được huyện Mộ Đức chọn "tiên phong" thực hiện mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. |
Còn rừng dừa nước Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh cũng được ví như “miền Tây giữa lòng Hội An”. Đến đây, du khách sẽ được tham quan khu rừng dừa bằng thuyền thúng, được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh bên rặng dừa xanh ngát, hay trải nghiệm “cảm giác mạnh” với xiếc thuyền thúng ngay trên sông...
Người chèo thúng chẳng khác gì một hướng dẫn viên thực thụ, họ giải đáp mọi thắc mắc của du khách, còn hướng dẫn khách làm những món đồ lưu niệm từ lá dừa nước. Đơn giản thế, nhưng cũng đủ biến rừng dừa nước Bảy Mẫu thành điểm đến hấp dẫn du khách. Người dân xung quanh cũng được hưởng lợi nhờ tham gia vào đội chèo thúng, nuôi trồng và khai thác thủy sản trong rừng dừa...
Ngoài 2 điểm trên, Quảng Nam cũng xây dựng khá nhiều mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đến tiềm năng trong tỉnh
Vẻ đẹp của làng rau Trà Quế chưa hẳn đã hơn ruộng hành, tỏi của huyện đảo Lý Sơn. Nhưng có một điều, du khách đến với Lý Sơn rất ngại tham gia trải nghiệm các hoạt động sản xuất hành, tỏi, vì... mùi thuốc bảo vệ thực vật! Thay vì dùng phân, thuốc vi sinh, vẫn còn nhiều hộ dân ở Lý Sơn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất hành, tỏi. Chính vì vậy, dù thu hút hơn 200 nghìn lượt khách mỗi năm, nhưng sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn vẫn chỉ là loại nông sản đặc thù, chứ chưa phải là đối tượng giúp nông dân tăng thu nhập như rau Trà Quế.
Còn rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng được ví như “miền Tây giữa lòng Quảng Ngãi”. Tuy nhiên, thay vì đầu tư khai thác gắn với du lịch sinh thái, thì rừng dừa nước Tịnh Khê vẫn đang "ngủ yên".
Sau khi được Tổng cục Du lịch xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo, một số địa phương trong tỉnh cũng định hướng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Đơn cử như thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức). Đây là 1 trong 3 địa phương triển khai thực hiện mô hình sản xuất măng tây xanh an toàn theo hướng hữu cơ tại huyện Mộ Đức, do Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Đan Miền Trung đầu tư.
Đến thời điểm này, măng tây ở thôn Dương Quang đã cho thu hoạch, sản phẩm đảm bảo an toàn, vì người dân “nói không” với phân hóa học, thuốc trừ sâu. “Từ tiền đề này, cộng với địa thế thôn Dương Quang rất đẹp, đường sá thuận lợi, người dân tự giác chỉnh trang vườn nhà, nên huyện xác định sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, để xây dựng thôn Dương Quang thành khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, gắn với du lịch sinh thái đầu tiên của huyện”, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, cho biết.
Bài, ảnh: MỸ HOA