(Báo Quảng Ngãi)- Lo ngại giá bán biến động theo chiều hướng xấu, cộng với nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và gây hại, nên nhiều chủ trang trại, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh khá thận trọng và dè dặt khi tái đàn...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lo giá bán
Sau thời gian “treo chuồng” vì giá heo thịt sụt giảm, đến tháng 8.2018, bà Trần Thị Nguyện, xã Đức Phong (Mộ Đức) mạnh dạn nhập 30 con heo giống để nuôi thịt, xuất bán vào dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Với giá bán 49 nghìn đồng/kg heo hơi, sau khi trừ chi phí, bà Nguyện có lãi gần 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán đến nay, dù giá heo thịt vẫn giữ ổn định ở mức 47 - 48 nghìn đồng/kg heo hơi, nhưng bà Nguyện vẫn chưa tái đàn.
“Giá heo giống hiện giờ quá cao, có thời điểm lên đến 1- 1,2 triệu đồng/con, gấp đôi so với đầu năm 2018, trong khi giá heo thịt lên xuống thất thường, nên tôi chưa dám đầu tư lớn”, bà Nguyện lý giải.
Dù giá heo thịt hiện vẫn ổn định ở mức cao, nhưng vì lo ngại giá cả biến động, cộng với dịch bệnh nên người chăn nuôi khá cẩn trọng khi tái đàn. |
Còn bà Trần Thị Thanh Thanh, xã Đức Hòa (Mộ Đức) cũng khá dè dặt với việc tái đàn heo thịt. Theo bà Thanh, dù giá heo hơi ổn định ở mức cao, nhưng giá thức ăn và con giống liên tục tăng cao, còn đầu ra thì phụ thuộc vào thị trường, nên giá bán luôn khó lường. Vì vậy, nếu không cẩn trọng, người nuôi heo rất dễ thua lỗ. Do đó, thay vì nhập thêm con giống, bà Thanh chỉ duy trì 5 con nái sinh sản, chủ động quay vòng 20 - 30 con giống mỗi lứa.
Tính đến ngày 27.2, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam, với tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy gần 2.400 con. Theo Cục Thú y, biểu hiện rõ nhất của heo mắc bệnh ASF là heo sốt cao, chết ở nhiều loại heo và không chết ồ ạt. Tuy nhiên, vi rút gây bệnh ASF không lây nhiễm sang người. |
Sợ dịch bệnh
Bên cạnh vấn đề giá bán, người chăn nuôi heo trong tỉnh cũng dè dặt tái đàn, vì lo ngại dịch bệnh. Đặc biệt là bệnh tai xanh, lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả heo Châu Phi (ASF). Trong đó, dịch bệnh ASF gây tử vong 100% đối với heo nhiễm bệnh, nhưng hiện chưa có thuốc chữa trị và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định: “ASF được xem là “cơn bão”, có khả năng xóa sổ ngành chăn nuôi heo, nếu không có các biện pháp kiểm soát và khống chế dịch bệnh”.
Trong khi đó, dịch bệnh LMLM hiện cũng tái phát, khiến người chăn nuôi heo rất lo lắng. Bởi lâu nay, chỉ có trâu, bò mới mắc bệnh LMLM, còn heo thì rất hiếm. Tuy nhiên mới đây, đã xuất hiện ổ dịch LMLM trên đàn heo của bà Huỳnh Thị Kim Liên, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), với hơn 60 con heo các loại bị mắc bệnh, trong đó có trên 20 con bị chết.
Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã tiêm phòng bao vây và tiêu độc khử trùng ổ dịch, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền người chăn nuôi cần tích cực vệ sinh chuồng trại, sử dụng con giống có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vì quy mô đàn heo nhỏ lẻ, mật độ dày, nên người chăn nuôi rất khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết biến đổi bất thường, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.
Vì vậy, hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo vùng có dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tích cực vệ sinh, phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại; duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp con giống, phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định; tránh tái đàn ồ ạt và không chủ quan với các loại dịch bệnh...
Bài, ảnh: MỸ HOA