Dự án trồng nấm ở Mộ Đức: Hiệu quả không như mong đợi

09:03, 05/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, dự án: “Hỗ trợ xây dựng làng nghề trồng nấm phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động từ các lò gạch thủ công xã Đức Chánh và Đức Nhuận, huyện Mộ Đức” được tỉnh phê duyệt, thực hiện từ cuối 2013 - 2015, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 7,3 tỷ đồng. Song, vì nhiều nguyên nhân, nên đa số các hộ dân tham gia dự án không còn duy trì được nghề trồng nấm.
TIN LIÊN QUAN
"Đầu voi, đuôi chuột"

Xã Đức Chánh có 30 hộ tham gia dự án trồng nấm. Theo đại diện của UBND xã Đức Chánh, dự án trồng nấm linh chi, nấm sò được triển khai vào cuối năm 2015. Theo đó, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ khoảng 32 triệu đồng, số tiền còn lại là vốn đối ứng của các hộ tham gia.
 
Mô hình trồng nấm linh chi được hy vọng sẽ nhân rộng khi các hộ dân tham gia dự án, nhưng hiện chỉ có HTX nấm Đức Nhuận duy trì và phát triển được.
Mô hình trồng nấm linh chi được hy vọng sẽ nhân rộng khi các hộ dân tham gia dự án, nhưng hiện chỉ có HTX nấm Đức Nhuận duy trì và phát triển được.

Khi dự án được triển khai, các hộ dân được đại diện của HTX nấm Đức Nhuận đến địa phương mở lớp hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm sò. Nguồn giống do HTX nấm Đức Nhuận cung cấp, sản phẩm làm ra cũng được HTX bao tiêu.
 
Đại diện UBND xã Đức Chánh cho biết: Thời gian đầu, nấm phát triển khá tốt, sản phẩm làm ra được HTX nấm Đức Nhuận thu mua, với điều kiện nấm linh chi phải đủ tiêu chuẩn. Song, tính hiệu quả của dự án không được duy trì, vì đến năm 2017, nấm linh chi của các hộ tham gia dự án sản xuất không còn phát triển tốt như trước. Nấm chậm phát triển, còi cọc, khiến các hộ tham gia dự án không bán được nấm. Nguyên nhân là do nguồn phôi giống do HTX nấm Đức Nhuận cung cấp không đảm bảo, dẫn đến nấm phát triển không tốt. Hầu hết sản phẩm làm ra không đủ tiêu chuẩn để tiêu thụ.

Còn tại xã Đức Nhuận, từ chỗ có 70 hộ tham gia dự án, hiện nay chỉ còn khoảng 10 hộ tham gia. Theo Chủ nhiệm HTX nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong, trong dự án này, HTX ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cũng như hướng dẫn về mặt kỹ thuật, cũng như bao tiêu về mặt sản phẩm. Thời gian đầu, những hộ trồng nấm nhận được hỗ trợ từ ngân sách, nên hăng hái tham gia, sau đó ngân sách hỗ trợ không còn, nên các hộ tham gia cũng bắt đầu rơi rụng dần. Thêm vào đó, trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật, vốn đầu tư cao, nên người dân không duy trì được.

Tiếp tục hỗ trợ để duy trì nghề

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận Nguyễn Hữu Trung cho biết: Để tiếp tục duy trì, phát triển nghề trồng nấm, mới đây UBND huyện cũng đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho địa phương, hiện chúng tôi đã giải ngân được khoảng một nửa số tiền trên cho các hộ dân đăng ký tham gia trồng nấm. Đối với các hộ dân tham gia trồng nấm, chúng tôi xuống tận nhà để kiểm tra trại của người dân có đảm bảo hay không, đồng thời yêu cầu người dân phải có vốn đối ứng. Có như vậy mới hy vọng người dân tâm huyết gắn bó với nghề, chứ không phải đăng ký để được nhận hỗ trợ rồi làm qua loa, dẫn đến không hiệu quả, thất thu tiền ngân sách.

Còn tại xã Đức Chánh, để duy trì nghề trồng nấm linh chi, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho một số hộ tham gia dự án ra tận Đà Nẵng để học thêm kỹ thuật trồng nấm linh chi, nhằm cứu vãn mô hình này, nhưng khi về thực hiện thì vẫn thất bại. Sau đó, một số hộ chuyển sang trồng nấm rơm và tự tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng tất cả các hộ tham gia dự án trồng nấm linh chi trên địa bàn xã Đức Chánh đều không còn trồng nấm linh chi nữa.

Mục tiêu của dự án trồng nấm linh chi là giúp các hộ làm gạch thủ công chuyển sang làm nghề trồng nấm, nhằm đảm bảo nguồn sinh kế mới cho người dân sau khi chuyển đổi nghề nghiệp. Song, hàng tỷ đồng của Nhà nước cùng vốn đối ứng của nông dân được đầu tư, nhưng thu về lợi nhuận ít, hiệu quả không đạt như mục tiêu đề ra. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với đại diện UBND huyện Mộ Đức - chủ đầu tư dự án, nhưng lãnh đạo huyện này liên tục bận họp, nên không gặp được.

Việc Nhà nước đầu tư vốn để giúp nông dân có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống khi chuyển đổi nghề nghiệp là một chủ trương đúng đắn. Song, từ những bất cập của dự án, cơ quan hữu quan cần đánh giá lại mô hình này. Bởi theo các chuyên gia nông nghiệp, nấm linh chi mặc dù là một loại dược liệu quý, có hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, song đòi hỏi người trồng phải có bề dày kinh nghiệm, kỹ thuật khắt khe từ khâu chọn giống đến chăm sóc.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 

.