Nông dân ra đồng chăm sóc lúa đông xuân

04:02, 17/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ lúa đông xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh gieo sạ 37.904ha, trong đó có 26.371ha trà lúa chính đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Những ngày cuối tháng 1 đến giữa tháng 2.2019, thời tiết thay đổi khung nhiệt độ, từ lạnh, mưa đến nắng liên tục. Để vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao, ngay sau 3 ngày nghỉ Tết, nông  dân trong tỉnh đã ra đồng chăm sóc lúa.

TIN LIÊN QUAN

Thường xuyên thăm đồng

Những ngày trước Tết, dù công việc bận rộn nhưng bà Cao Thị Yến, thôn 4, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn ra đồng dặm lại lúa. Bà Yến cho biết: “Vụ lúa này, tôi gieo sạ 1,5 sào. Hiện nay, lúa đang giai đoạn phát triển, tôi thường xuyên thăm đồng để tháo nước, theo dõi lúa sinh trưởng và phòng ngừa sâu bệnh”.

Chiều mùng 4 Tết, bà Phan Thị Kim Anh ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) ra đồng tháo nước và theo dõi các ruộng lúa bị chuột cắn phá.
Chiều mùng 4 Tết, bà Phan Thị Kim Anh ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) ra đồng tháo nước và theo dõi các ruộng lúa bị chuột cắn phá.


Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), Nguyễn Bá Đức cho biết: Vụ đông xuân 2018 – 2019, xã viên HTX gieo sạ các giống chủ lực, như QNg6, Thiên ưu 8, Bắc Thịnh. Đến thời điểm này, lúa trên các xứ đồng phát triển tốt. Mặc dù đang trong thời gian nghỉ Tết, nhưng nông dân vẫn ra đồng theo dõi, chăm sóc lúa, nhất là trên các chân ruộng trũng, trà lúa muộn để có một vụ mùa đạt năng suất cao.

Còn theo kinh nghiệm của ông Đỗ Thể, xã Phổ Thuận (Đức Phổ), buổi sáng mùng 4 Tết xuất hiện tình trạng sương mù trên cánh đồng ở địa phương. Thời tiết như vậy dễ gây bệnh đạo ôn lá, nhất là trên những chân ruộng bón nhiều phân đạm. Vì thế, ông Thể thường xuyên thăm đồng để kịp xử lý.

Tại huyện Tư Nghĩa, từ ngày mùng 4 Tết, nông dân cũng ra đồng dẫn nước, bón phân, phun thuốc cho cây lúa. Bà Phan Thị Kim Anh, ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) tranh thủ ra đồng để tháo nước và kiểm tra những đám lúa bị chuột cắn xót xa nói: Nước trong ruộng vẫn còn, nhưng tôi lo nhất là chuột phá nhiều quá, dù trước Tết đã tìm nhiều cách để ngăn chặn.

Chú ý chuột và bệnh đạo ôn

Để phòng trừ chuột, trên nhiều cánh đồng trong tỉnh, nông dân sử dụng vải, túi ni lông làm cờ treo đuổi chuột, chắn bạt ni lông trắng xung quanh ruộng để chuột không vào cắn phá. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian qua, chuột phát sinh gây hại cục bộ trà lúa đông xuân giai đoạn mới sạ, đẻ nhánh, làm đòng với tổng diện tích 338,5ha. Ốc bươu vàng xuất hiện gây hại khoảng 58ha, tập trung ở huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Ruồi đục nõn, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá phát sinh trên diện tích lúa ở giai đoạn 3 lá – đẻ nhánh, đẻ nhánh - đứng cái. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, chuột gây ra, chi cục đã hướng dẫn nông dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó chú ý dùng bã sinh học, biện pháp thủ công...

Đối với ruồi đục nõn, bọ trĩ, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; nếu có tỷ lệ gây hại cao ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa, thì tăng cường chăm sóc bón bổ sung 3 – 4 kg NPK/sào, kết hợp dùng một trong các loại thuốc phun trừ như Azorin 400WP, Karate 2,5EC, Bassa 50EC, Imitox 700 WG...

Để xử lý ốc bươu vàng, người dân nên dùng biện pháp thủ công bắt diệt ở những chân ruộng mới sạ, vì ốc tập trung chủ yếu dưới rãnh nước. Còn với những chân ruộng lớn, chi cục hướng dẫn sử dụng một trong các loại thuốc để rải hoặc phun trừ, như Honeycin 6GR, Dioto 250EC... Nông dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nhất là chân ruộng xanh tốt, nếu có dấu hiệu bệnh đạo ôn lúa thì ngưng bón các loại phân, giữ nước trong ruộng từ 5-7cm, dùng một trong các loại thuốc theo hướng dẫn để phun trừ, như Fuji-One 40EC, Beam 75WP, Ninja 35EC...

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.