(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tại, giá keo nguyên liệu trên thị trường tăng cao, với giá từ 1.180.000 - 1.200.000 đồng/tấn. Do đó, một số người trồng keo ở các địa phương trong tỉnh đã ồ ạt khai thác keo non để bán...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với 5ha keo trồng theo hình thức xen kẽ, nên năm nào ông Đinh Văn Huy, ở xã Phổ Phong (Đức Phổ) cũng khai thác khoảng 1ha keo để bán. Tuy nhiên, những năm vừa qua, giá keo giảm, nên chỉ khi keo được 5 – 6 năm tuổi thì ông Huy mới khai thác. Nhưng từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá keo nguyên liệu tăng liên tục, hiện đạt mức 1.180.000 đồng/tấn, nên ngoài 1ha keo 5 năm tuổi, ông Huy còn khai thác thêm 3ha keo từ 3 – 3,5 năm tuổi để bán. “Sau khi trừ các chi phí khai thác, mua cây giống và thuê công trồng mới, thì việc bán keo non vẫn có lãi”, ông Huy nói.
Giá keo nguyên liệu tăng, nên người trồng keo ồ ạt khai thác keo non để bán. |
Còn gia đình ông Trần Văn Hiệp cũng vừa bán gần 3ha keo 3 năm tuổi, năng suất chỉ đạt gần 60 tấn/ha. Với giá bán gần 1.200.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí khai thác, gia đình ông Hiệp thu được gần 54 triệu đồng/ha. Nhưng nếu để đúng chu kỳ khai thác, tức 6 – 7 năm tuổi, thì diện tích keo trên sẽ cho năng suất từ 120 – 130 tấn/ha, doanh thu trên 120 triệu đồng/ha.
“Về lâu dài, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non; đồng thời vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn; tham gia trồng rừng và quản lý rừng bền vững, để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần phát triển nghề rừng theo hướng hiệu quả, bền vững”.
|
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện miền núi phát triển rất mạnh. Nhiều hộ gia đình ngoài việc mở rộng diện tích trồng, còn thuê đất và vay vốn ngân hàng để trồng rừng. Vì vậy, khi giá keo nguyên liệu tăng cao, người dân ồ ạt bán keo non để có tiền trang trải cuộc sống.
“Năng suất keo non thấp, giá bán cũng thấp hơn keo đủ tuổi từ 2 – 3 giá, nhưng nếu không bán thì gia đình không có tiền trả nợ cho ngân hàng. Hơn nữa, nếu để thêm 3 – 4 năm nữa thì chắc gì giá bán sẽ cao như hiện nay, đó là chưa kể thiệt hại do mưa bão”, ông Hiệp phân trần.
Theo các thương lái, nguyên nhân khiến giá keo nguyên liệu liên tục tăng trong thời gian qua là do thị trường Trung Quốc nhập hàng mạnh, cộng với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất và chế biến giấy ở trong nước tăng cao.
Tuy nhiên, việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy, đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, nên lợi nhuận thực tế mà người trồng keo thu được không cao. Theo tính toán, với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm từ 25 – 30 triệu đồng/ha so với keo đủ tuổi.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho rằng: Xảy ra tình trạng bán keo non là do người trồng keo trong tỉnh chưa liên kết với các doanh nghiệp lớn để trồng keo xen cây gỗ lớn, cũng như chưa thực hiện việc trồng rừng và quản lý rừng bền vững. Vì vậy, người dân khai thác keo không tuân thủ theo chu kỳ, mà theo giá thu mua nguyên liệu!
Bài, ảnh: THANH PHONG