Keo chết hàng loạt: Nông dân điêu đứng

09:03, 31/03/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Hàng chục héc ta keo đang phát triển xanh tốt bỗng dưng khô đọt rồi gãy ngang, chết đứng ngoài rẫy mà không rõ nguyên nhân, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay.

TIN LIÊN QUAN

Mất trắng

 Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường từ xã Trà Bình qua xã Trà Tân, tình trạng keo chết khô xảy ra hàng loạt. Nhiều người đã chặt bỏ toàn bộ diện tích keo bị chết rồi đốt để dọn đất trồng lại lứa keo mới.

Dẫn chúng tôi lên rẫy keo đã trồng được hơn hai năm tuổi mà gương mặt ông Nguyễn Danh, thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng) buồn rười rượi. Nhìn hơn 3ha keo chết rụi dần nhưng không có cách cứu chữa, ông Danh đành ngậm ngùi chua xót: “Từ hồi giờ tôi trồng keo chưa bao giờ xảy ra tình trạng keo chết thế này. Vậy mà từ đầu năm 2018 tới nay, mấy rẫy keo được trồng từ một đến hai năm tuổi của tôi đều bị hiện tượng khô đọt rồi gãy ngang và chết dần. Giờ cây còn non, bán gỗ nguyên liệu chưa được mà chỉ có thể làm củi. Nhưng khổ nỗi diện tích lớn quá nên phải thuê người dọn, mất thêm một khoản chi phí nữa”.

Rẫy keo hơn 3ha của ông Nguyễn Danh, xã Trà Tân bị chết khô, mất trắng.
Rẫy keo hơn 3ha của ông Nguyễn Danh, xã Trà Tân bị chết khô, mất trắng.


Ông Danh cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích trên ông trồng keo tai tượng, nhưng thấy mọi người trồng keo giâm hom đạt sản lượng hơn nên đã chuyển sang trồng keo giâm hom. Theo đó, hơn 20 nghìn cây giống được ông mua ở vườn ươm xã Trà Bình và vườn ươm Ba Tơ về trồng. Lúc mới trồng keo phát triển rất xanh tốt và không có dấu hiệu gì của bệnh.

Tuy nhiên, khi cây trồng được một năm, đặc biệt có nhiều diện tích cây trồng đã hơn hai năm, to bằng bắp chân người lớn vẫn bị chết. “Nếu keo không chết thì sau hai năm nữa, giá gì tôi cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Nhưng giờ thì lãi không có, vốn cũng mất mà tiền vay ngân hàng thì không biết lấy gì trả”, ông Danh giải bày.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Danh, hơn 1ha keo một năm tuổi của chị Võ Thị Hòa, xã Trà Tân cũng chết đứng ngoài rẫy. Theo chị Hòa, tháng 4.2027, chị mua 6.000 cây giống với giá 3,6 triệu đồng của một công ty giống ở Đức Phổ cung ứng. Thấy keo trồng phát triển xanh tốt, chị Hòa vui mừng thuê người lên tỉa cành, dọn cỏ.

Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao keo bỗng đột ngột chết rụi. “Bữa giờ tôi chẳng dám lên rẫy keo nữa. Nhìn keo chết mà mình muốn khóc luôn. Sống ở miền núi, thu nhập chủ yếu là dựa vào cây keo, thế nhưng bao nhiêu vốn liếng đầu tư hết vô đó giờ coi như mất trắng rồi. Mai mốt phải lên chặt bỏ rồi trồng lại lứa keo mới, nhưng lần này tôi chẳng dám trồng keo giâm hom nữa”, chị Hòa chia sẻ.

 Không riêng gì xã Trà Tân mà một số diện tích keo của người dân trên địa bàn huyện Trà Bồng cũng đều chịu cảnh tương tự. Theo đó, tình trạng keo chết hàng loạt mới chỉ xuất hiện từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay. Điều đáng nói là lúc mới trồng, tất cả diện tích keo trên đều phát triển xanh tốt, nhưng được một năm thì bỗng dưng gãy ngang rồi chết.

 Nghi ngờ do nguồn giống

Kể từ khi cây keo đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân thì nhu cầu cây giống cũng tăng lên đáng kể. Xuất phát từ nhu cầu trên, nhiều hộ gia đình đã xây dựng các vườn ươm cây giống. Theo đó, giống cây giâm hom được người trồng ưu chuộng vì ưu điểm giá giống thấp lại cho năng suất cao khi đến kỳ khai thác hơn giống keo tai tượng.

 Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân Hồ Văn Huynh, cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng keo của người dân trồng tại địa phương bỗng dưng bị chết hàng loạt ngày một tăng. Hiện xã cũng chưa biết nguyên nhân chính thức gây ra hiện tượng trên là gì nhưng theo tìm hiểu thì sau khi cây phát triển từ 2 – 3m xuất hiện một loại sâu đục thân khiến cây bị gãy ngang rồi chết. Tuy nhiên, theo báo cáo của người dân thì toàn bộ keo trồng bị chết có nguồn gốc từ giống keo giâm hom nên mọi người đang nghi ngờ về chất lượng nguồn giống. Bởi người dân không biết đã mua giống đời F mấy và như thế thì chất lượng cũng khó kiểm soát được”.

 Trước tình trạng trên, UBND xã Trà Tân đã báo cáo lên huyện Trà Bồng để cử cán bộ kỹ thuật về kiểm tra. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nên đến các điểm cung ứng giống có uy tín để đảm bảo nguồn giống chất lượng, tránh lại xảy ra trường hợp keo chết, ảnh hưởng đến kinh tế.

Theo đúng kỹ thuật, sau 3 năm (đối với cây hom F1) và sau 5 năm (đối với cây mô), khi cây giống đã qua nhiều lần cắt hom không còn sinh trưởng tốt nữa thì phải gây trồng vườn giống mới một năm trước khi hủy vườn giống cũ. Song thực tế cho thấy, hiện nay có quá nhiều vườn ươm mọc lên nhưng chưa kiểm soát được chất lượng. Có nhiều vườn ươm có đời cây bố mẹ từ 5 – 7 năm trước, thậm chí lâu hơn nhưng không thay mà cứ thế cắt cành làm giống bán ra thị trường, dẫn đến tình trạng thoái hóa giống.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.