Thị trường Tết: Lo ngại hàng kém chất lượng

02:01, 24/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm mua sắm Tết của người dân trong tỉnh. Đây cũng là thời điểm để hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường.

TIN LIÊN QUAN

Lo ngại hàng "dỏm"

Hàng giả, hàng kém chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hiện chủ yếu tập trung ở các chợ nông thôn, miền núi; trên các quầy sạp lưu động, các tụ điểm bán hàng vỉa hè... Nhiều nhất là các mặt hàng bánh kẹo, giày dép, thực phẩm chế biến sẵn.

 

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa phục vụ thị trường Tết.


Tại chợ Đức Phổ vào những ngày trung tuần tháng Chạp, hàng hóa phục vụ người dân mua sắm Tết khá phong phú. Các loại bánh kẹo, giày dép được chất thành từng đống lớn, trong đó mặt hàng giày dép tràn ra cả phần đường dành cho người đi lại trong khuôn viên chợ.

Các mặt hàng bánh, kẹo được gói trong bao nilon đủ màu sắc, bên ngoài in dòng chữ nước ngoài, không có nơi sản xuất, hạn sử dụng. Giá bán một kilôgam chỉ bằng 1/3 giá bán các loại bánh, kẹo cùng loại có nhãn mác xuất xứ rõ ràng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Giá kẹo bình quân khoảng 20.000 - 60.000 đồng/kg; bánh từ 40.000 - 70.000 đồng/kg.

"Người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa phục vụ Tết cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, nhằm tránh mua nhầm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng".


Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi
VÕ MINH TÂM

Hàng giả, hàng kém chất lượng đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và phong phú về chủng loại, đã gây nên những bất ổn cho thị trường Tết. Những mặt hàng này chủ yếu được đưa lên các huyện miền núi trong tỉnh để tiêu thụ. Với sự "dễ tính" trong tiêu dùng và giá bán phù hợp với thu nhập của người dân vùng cao, nên các mặt hàng này được tiêu thụ rất mạnh.

Ở các chợ lớn trong tỉnh, các loại hàng hóa phục vụ Tết giá rẻ cũng được người tiêu dùng ở nông thôn chọn mua, hoặc các tiểu thương mua với số lượng lớn để đưa đi nơi khác tiêu thụ. Đó là chưa kể loại hàng hóa này đang được tiêu thụ mạnh qua kênh phân phối bán hàng online, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn.

Khó kiểm soát

Điều khiến người tiêu dùng lo ngại là, một số người bày bán công khai các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhưng chưa được các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Những người bán các mặt hàng này khi được hỏi về xuất xứ hàng hóa, thì chỉ giải thích: Hàng nhà làm, hoặc hàng công ty sản xuất bị lỗi! Về phía lực lượng chức năng thì cho rằng, nhiều mặt hàng bánh, kẹo truyền thống người dân làm để phục vụ Tết về nguyên tắc là hàng hóa vi phạm các quy định khi lưu thông.

Song nếu "mạnh tay" với tất cả những loại hàng hóa này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình làm nghề bánh, kẹo truyền thống. Riêng đối với hàng hóa nhãn mác không rõ ràng, nhập lậu thì lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các mặt hàng này bày bán khắp các chợ, vùng miền, nên việc phát hiện, xử lý triệt để rất khó.

Trong tuần qua, tỉnh tổ chức nhiều đoàn kiểm tra thị trường Tết, chủ yếu tập trung vào hoạt động trữ hàng, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Địa bàn kiểm tra mới tập trung ở các siêu thị, trong khi đây là những địa chỉ kinh doanh tin cậy, nên hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc khó có thể trà trộn vào được.

Từ nay đến tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa lưu thông nội địa, nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng buôn bán trên thị trường.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.