(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa có ngư dân nào trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Tàu vỏ thép phải được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hằng năm với số tiền rất lớn. Vì vậy, nếu không được hỗ trợ, ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ngư dân Võ Văn Tình, xã Bình Đông (Bình Sơn) cho biết. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu vỏ thép, nên ngư dân phải tốn thời gian và chi phí đưa tàu đến các cơ sở ngoài tỉnh để sửa chữa.
Theo tính toán của ông Tình, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tàu vỏ thép từ 100 – 200 triệu đồng, nên nhiều chủ tàu vỏ thép chỉ sơn lại vỏ tàu để hạn chế hoen gỉ.
Không được bảo dưỡng và sửa chữa bài bản, nên vỏ tàu của ông Võ Văn Tình, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) bị hoen gỉ. |
Theo Nghị định 67, nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép không quá 1% tổng giá trị con tàu. Tuy nhiên, sau 4 năm Nghị định 67 có hiệu lực, chưa có chủ tàu vỏ thép nào trên địa bàn tỉnh được nhận khoản hỗ trợ này. Trong khi đó, hiện có đến 6/11 chiếc vướng nợ xấu, nên các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa tàu.
“Chẳng lẽ phải vay vốn để bảo dưỡng, sửa chữa tàu? Trong khi việc khai thác hải sản kém hiệu quả, nên tôi không trả gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Chính vì vậy, rất mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép, để ngư dân đỡ vất vả”, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đề nghị.
Hiện nay, nhiều chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh thấp thỏm âu lo vì không còn cách nào để có tiền bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Bởi để đóng được tàu vỏ thép, họ đã thế chấp tài sản giá trị, làm vốn đối ứng với ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc khai thác kém hiệu quả, khiến nhiều chủ tàu vỏ thép lâm vào cảnh nợ nần. Trong khi, nếu không bảo dưỡng, con tàu xuống cấp nặng nề, việc khai thác lại càng khó khăn, thậm chí không còn phương tiện vươn khơi.
Theo Chi cục Thủy sản, nguyên nhân thực hiện chính sách chậm là do chưa thiết lập được định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép. Vấn đề này đã được Chi cục Thủy sản tham mưu Sở NN&PTNT gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép, để ngành tài chính có cơ sở hỗ trợ các chủ tàu vỏ thép.
Mặc dù vậy, đã hơn 4 năm trôi qua, các Bộ, ngành liên quan vẫn chưa tháo gỡ vướng mắc này. “Điều này khiến chủ tàu vỏ thép gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, nhiều chủ tàu phải tự sửa chữa, hoặc bảo dưỡng qua loa cho chiếc tàu. Việc làm này dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của tàu”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho biết.
Bài, ảnh: THANH PHONG