(Baoquangngai.vn – Quyết tâm xóa bỏ lò gạch thủ công, huyện Tư Nghĩa vừa chỉ đạo các xã vận động chủ lò dừng hoạt động, tự nguyện phá dỡ lò. Đến ngày 31.12.2018, huyện sẽ dừng cung cấp điện cho tất cả lò gạch thủ công trên địa bàn.
TIN LIÊN QUAN
Tự nguyện tháo dỡ
Năm 2018, xã Nghĩa Mỹ là một trong 5 xã của huyện Tư Nghĩa thực hiện về đích nông thôn mới (NTM). Hiện nay, Nghĩa Mỹ đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó tiêu chí số 17 (môi trường) được cho “nợ” vì người dân cam kết được sản xuất nốt phần nguyên liệu đã tập kết trước khi chấm dứt hoạt động của các lò gạch.
Nếu không xóa bỏ được các lò gạch thủ công thì xã Nghĩa Mỹ không thể về đích xã NTM và huyện Tư Nghĩa cũng không thể về đích huyện NTM trong năm 2018. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Gắn bó với nghề làm gạch thủ công 21 năm, có thu nhập khá ổn định, nhưng ông Lê Dũng, ở thôn Mỹ Hòa cũng thừa nhận khói bụi từ những lò gạch gây ảnh hưởng môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân trong thôn.
Phá bỏ lò gạch thủ công. |
Hiểu rõ những lợi ích mà chương trình xây dựng NTM mang lại, 2 tháng trước, ông Dũng tự nguyện dừng hoạt động, tháo dỡ, phá bỏ lò gạch chuyển sang chăn nuôi gà và vận động người thân trong gia đình cùng tháo dỡ.
Ông Dũng chia sẻ: “Thực ra sản xuất gạch thủ công bây giờ không còn lãi được bao nhiêu vì giá đất tăng cao, giá gạch lại khó cạnh tranh với gạch tuynel, vừa gây ô nhiễm môi trường. Mình rất ủng hộ chủ trương của Đảng, nhà nước về chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công, xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp”.
Hơn 30 năm gắn bó với lò gạch thủ công, chị Ngô Thị Thanh Thùy vừa nghỉ làm công nhân ở lò gạch chuyển sang làm công cho các chủ vườn hoa. Chị Thùy cho biết, làm gạch vất vả hơn, tiền công lao động là 170.000 đồng ngày, khá hơn làm hoa là 120.000 đồng/ngày.
Bù lại công việc chăm sóc hoa không lo khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe, ít nhọc nhằn. Chị Thùy có nhiều thời gian để làm việc gia đình, chăm sóc con cái. Chị dự định sau vụ hoa tết sẽ kiếm công việc ổn định hơn để có thu nhập trang trải cho gia đình.
Kiên quyết xóa bỏ
Tháng 6.2018, UBND tỉnh đã có văn bản về xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Văn bản yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động và thực hiện tháo dỡ lò nung trước ngày 31.8.2018.
Trong khi đó, tại huyện Tư Nghĩa một trong những địa phương có số lượng lò gạch thủ công lớn nhất địa bàn tỉnh với gần 100 lò. Sau nhiều lần tuyên truyền vận động, hầu hết chủ cơ sở ở các địa phương khác đã chấp hành, riêng xã Nghĩa Mỹ vẫn còn 44 lò đang hoạt động. Các chủ lò tiếp tục kiến nghị cho phép nung đốt gạch đến hết 31.12.2018.
Không có hỗ trợ khi dừng hoạt động lò gạch thủ công. |
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tư Nghĩa, ông Trần Thiên Thanh cho biết, với xã Nghĩa Mỹ khó nhất là xóa bỏ lò gạch thủ công. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng NTM cùng với địa phương nhiều tuyên truyền vận động đến cương quyết chấm dứt hoạt động.
Huyện đã có văn bản chỉ đạo Công ty CP Điện huyện Tư Nghĩa ngừng cung cấp điện cho các lò gạch thủ công từ ngày 31.12.2018. Nhà nước cũng không hỗ trợ kinh phí cho các chủ lò gạch khi thực hiện tháo dỡ lò gạch.
“Vấn đề đặt ra là hỗ trợ kinh phí để các chủ lò chuyển đổi nghề nghiệp khi dừng hoạt động lò gạch thủ công, việc này UBND tỉnh đã trả lời dứt điểm sẽ không hỗ trợ. Vì đây là ngành nghề sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, buộc phải đình chỉ, không rơi vào trường hợp sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm mà nhà nước yêu cầu di dời” - ông Thanh nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, bà Nguyễn Thị Lan Chi, hiện nay các chủ lò đã cam kết sẽ dừng hoạt động đúng thời hạn để xã Nghĩa Mỹ đạt tiêu chí môi trường, về đích NTM trong năm 2018. Xã sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của huyện, phối hợp với Công ty CP Điện huyện Tư Nghĩa tổ chức cắt điện cung cấp cho lò gạch vào ngày 31.12.2018.
Bài, ảnh: A.KIỀU