Xóa bỏ lò gạch thủ công: Cần sự vào cuộc quyết liệt

04:09, 27/09/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đến nay đã quá thời hạn phải chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công theo chủ trương của UBND tỉnh gần 1 tháng, thế nhưng, hiện tại nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn đỏ lửa. Những hệ lụy từ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc sống người dân nếu như chính quyền các cấp không thực sự vào cuộc quyết liệt. 

TIN LIÊN QUAN

 

 
Tháng 6.2018, UBND tỉnh đã có văn bản về xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Văn bản yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động và thực hiện tháo dỡ lò nung trước ngày 31.8.2018. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn phải chấm dứt hoạt động gần 1 tháng nhưng nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động.
 
Toàn huyện Nghĩa Hành, hiện có 25 hộ trực tiếp sản xuất gạch thủ công với 54 lò nung, tập trung phần lớn ở xã Hành Phước. Trung bình mỗi năm, các lò gạch này cung ứng cho thị trường gần 100 triệu viên gạch, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Qua kiểm tra thực tế, lượng đất sét tồn dư tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công ở xã Hành Phước còn hơn 40 nghìn mét khối, chưa tính hàng trăm mét khối than cám, củi đốt lò. Đồng thời, tính đến ngày 31.8, huyện Nghĩa Hành chỉ mới xóa bò được 2/54 lò gạch thủ công.
 
Trong khi đó, tại huyện Tư Nghĩa một trong những địa phương có số lượng lò gạch thủ công lớn nhất địa bàn tỉnh với gần 100 lò. Thế nhưng, theo các lực lượng chức năng của huyện, qua tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này thời điểm này chỉ chấm dứt được khoảng 4-5 lò, còn lại các lò khác vẫn hoạt động bình thường. 
 
Nung gạch thủ công mang lại nguồn lợi lớn cho chủ lò gạch nên họ viện nhiều lý do như nguồn nguyên liệu dự trữ đất sét, than, củi hiện còn tồn dư với số lượng lớn để trì hoãn việc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hàng ngày, họ vẫn “lén” nhập nguyên liệu để sản xuất. Do vậy, dù được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhưng các chủ lò gạch vẫn chưa đồng ý đóng cửa. 
 
Theo người dân, việc các lò gạch hoạt động được đến thời điểm hiện nay là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và thiếu kiên quyết trong việc xử lý. Thực tế cho thấy, thời gian qua việc xử lý chỉ mới dừng lại ở hình thức tuyên truyền, vận động người dân mà chưa có bất cứ biện pháp quyết liệt nào nên các chủ lò tìm mọi cách trì hoãn và cố tình tiếp tục hoạt động trở lại.
 
Được biết, trước khi UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu xóa bỏ lò gạch thủ công, trên địa bàn tỉnh có gần 250 lò hoạt động. Các lò thủ công này nằm xen trong khu dân cư, gần trường học, thải khói, bụi ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong khu vực. Sau ngày 31.8, Sở Xây dựng đã yêu cầu các huyện, thành phố thống kê số lò gạch còn hoạt động nhưng đến nay chưa có số liệu cụ thể. 
 
Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công là một chủ trương đúng đắn để đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân trong khu dân cư. Vì vậy, các cấp chính quyền cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn để đóng cửa lò gạch.
 
PV- CTV