Nông dân Mộ Đức chủ động làm giàu

02:12, 23/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với đặc thù là huyện nông nghiệp, những năm qua, Mộ Đức chú trọng phát triển kinh tế hộ. Nhờ đó, người dân đã tiếp cận được với nhiều giống cây, con mới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

TIN LIÊN QUAN

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất

Cách đây hơn 4 năm, hơn 2ha đất của ông Vương Thanh Sáng, ở thôn 7, xã Đức Tân, đều trồng chanh và xoài Hòa Lộc. Những năm đầu, chanh, xoài cho trái nhiều, giá cả ổn định, nên gia đình ông thu từ 40 - 60 triệu đồng/năm. Thời gian sau, chanh và xoài cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, nên ông Sáng quyết định thay thế bằng giống cây mới.

Từ kinh nghiệm cũng như kiến thức học hỏi được, ông Sáng đầu tư trồng quýt đường, bưởi da xanh, dừa xiêm, ổi và cam. Đến nay, các loại cây trong vườn đều sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho những mùa vụ bội thu.

 

Mô hình trồng bưởi da xanh đã giúp ông Vương Thanh Sáng, thôn 7, xã Đức Tân thoát nghèo.
Mô hình trồng bưởi da xanh đã giúp ông Vương Thanh Sáng, thôn 7, xã Đức Tân thoát nghèo.


Điều mà ông Sáng không ngần ngại, đó chính là “dám nghĩ dám làm” và thay đổi cây trồng. Bởi theo ông Sáng, có như vậy người nông dân mới biết được loại cây trồng nào có thể thích nghi được với thổ nhưỡng ở địa phương mình.

“Từ ngày chuyển sang trồng quýt đường, dừa xiêm, tôi thấy cây sinh trưởng tốt. Chưa đầy một năm, quýt đã cho trái. Riêng chỗ đất trồng dừa xiêm, tôi trồng xen canh với cau, tiện cả đôi đường”, ông Sáng chia sẻ. Cũng theo ông Sáng, mô hình dừa xiêm được trồng từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức. Đây là mô hình tuy cũ, nhưng chắc chắn mang lại nhiều hiệu quả đối với các hộ gia đình muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
 

Ông Nguyễn Văn Nam, ở thôn An Long, xã Đức Hiệp chia sẻ: “Nông dân muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu thì phải chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn những mô hình có hiệu quả kinh tế cao để thực hiện; gắn sản xuất nông nghiệp với nhu cầu của thị trường”.

Ông Nguyễn Văn Nam, ở thôn An Long, xã Đức Hiệp cũng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp. Sau khi thất bại với nhiều giống cây trồng, ông quyết định chuyển qua nuôi vịt. Điều đáng nói là ông đã tận dụng và thuê lại những diện tích đất khô cằn, không sản xuất được của người dân để mở trang trại. Đến nay, ông đã có trong tay hơn 3.500 con vịt đẻ và thịt.

Phát triển kinh tế hộ

Đến nay, các xã trong huyện Mộ Đức đều thực hiện việc phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình. Theo đó, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư được hỗ trợ thường xuyên. Người dân cũng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn từ các chương trình này. Mới đây, lãnh đạo xã Đức Hiệp đã “vực” dậy nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở địa phương. Theo đó, từ mô hình đã có lâu đời, nhưng với phương thức sản xuất, tiêu thụ hoàn toàn mới đã tạo tiền đề để phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ cho nông dân.

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như chia sẻ: “Đức Hiệp còn nhiều khó khăn, nên việc tự phát triển kinh tế hộ của người dân là điều khó thực hiện. Chính quyền đã tìm rất nhiều cách để hỗ trợ người dân. Việc vực dậy mô hình trồng dâu, nuôi tằm chính là phương thức tốt nhất cho người dân, bởi đây là nghề truyền thống của họ”.

Trong khi đó, điểm mạnh của xã Đức Thạnh chính là phát triển kinh tế hộ theo hướng phát triển cây trồng cạn. Do đó, có rất nhiều mô hình được nông dân áp dụng và trồng thử nghiệm. Mới đây, xã đã có chủ trương phát triển và tăng diện tích cây tiêu ở địa phương. Từ 1ha trồng thử nghiệm, đến nay đã có gần 3ha tiêu đang được trồng ở một số thôn. Đây là cây trồng thích nghi với điều kiện thời tiết, cũng như thổ nhưỡng ở Đức Thạnh.

Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Nguyễn Văn Năm cho biết: “Ngoài các cây trồng cạn như cà tím, dưa hấu, rau xanh... địa phương cũng mở rộng diện tích và phát triển cây tiêu. Đây là một trong những loại cây trồng phù hợp cho việc phát triển kinh tế hộ. Thời gian đến, chúng tôi sẽ có những định hướng để giúp bà con phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế hộ”.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.