Hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo: Tiến độ giải ngân quá chậm

09:12, 07/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến cuối tháng 11.2018, công tác giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) vẫn còn chậm so với kế hoạch. Kết quả này đã ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN


Đầu năm "ngâm vốn"...

Năm 2018, tổng nguồn vốn mà Chương trình MTQGGNBV dành cho các tiểu dự án đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, đa dạng hóa sinh kế là 80,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của Chương trình 30a là 66,2 tỷ đồng; Chương trình 135 là 13,5 tỷ đồng. Còn lại 680 triệu đồng dành để hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã đăng ký về đích nông thôn mới.

Huyện Sơn Hà triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo bền vững.                                                      ẢNH: THANH NHỊ
Huyện Sơn Hà triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo bền vững. ẢNH: THANH NHỊ


Việc triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân sẽ là động lực để hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH, đến hết tháng 11.2018, tiến độ giải ngân vốn trong hoạt động này vẫn còn thấp. Cụ thể là, bình quân tỷ lệ giải ngân của tiểu dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại các huyện nghèo trong 11 tháng chưa đạt đến 30%. Tiểu dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn đến tháng 11.2018 cũng bình quân đạt chưa đến 20%...
 

Theo các địa phương, sở dĩ công tác giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất trong Chương trình MTQGGNBV chưa đạt yêu cầu là do một số xã vẫn còn lúng túng trong lựa chọn cây, con giống phù hợp với khả năng canh tác của người dân và điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, tốn nhiều thời gian, làm cho tiến độ triển khai chậm. Tình trạng này lặp đi, lặp lại trong nhiều năm qua, nhưng chưa được các địa phương chấn chỉnh.

Trong các dự án, tiểu dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQGGNBV, chỉ có dự án hỗ trợ mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, 135 là “về đích” sớm, với tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Cuối năm lo “chạy” giải ngân

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tổng lực “chạy nước rút” để kịp hoàn thành các thủ tục giải ngân hết nguồn vốn đã phân khai trong năm 2018; đồng thời cung cấp cây, con giống cho người dân kịp đưa vào sản xuất kịp thời vụ.

Đến nay, Minh Long là huyện đứng đầu về tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất trong số 6 huyện miền núi trong tỉnh. Từ nay đến cuối năm, huyện đang tập trung giải ngân 20% vốn hỗ trợ phát triển sản xuất còn lại cho người dân. “Huyện đã giải ngân xong nguồn vốn trung ương bố trí cho hợp phần phát triển sản xuất; 20% chưa giải ngân là nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã.

 Xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) niêm yết danh sách hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ sản xuất trong năm 2018.
Xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) niêm yết danh sách hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ sản xuất trong năm 2018.


Sở dĩ, chưa thể giải ngân hết là vì một số xã còn chậm trễ trong lựa chọn cây, con giống; làm hồ sơ, thủ tục thẩm định giá và xét duyệt hộ được hỗ trợ không kịp thời... Do đó, việc cấp phát cây, con giống cho hộ dân chậm, nên chưa thể hoàn thành các thủ tục để giải ngân theo quy định”, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Minh Long Lê Đình Thông cho biết.

Tại huyện miền núi Trà Bồng,  dù theo quy định mới của Bộ Tài chính, nếu không giải ngân hết ngân sách mà trung ương đã cấp trong năm 2018 thì sẽ không được phép chuyển nguồn sang năm sau. Thế nhưng, đến nay nguồn vốn trung ương bố trí thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 trên địa bàn huyện mới giải ngân được 28,2%. “Từ nay đến cuối năm, huyện quyết tâm đôn đốc các xã còn lại gấp rút hoàn thành các thủ tục để hỗ trợ cho người dân và hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn này trong năm 2018”, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho biết.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.