Đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư

02:12, 13/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải, làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và cuộc sống của người dân ở gần CCN. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư cần cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung

CCN Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) được thành lập năm 2016, trên cơ sở CCN- làng nghề Tịnh Ấn Tây, với quy mô 27,28ha, do UBND TP.Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Hiện nay, CCN có 20 doanh nghiệp (DN) đang đầu tư, sản xuất kinh doanh (tổng vốn đầu tư hơn 210 tỷ đồng) trong lĩnh vực sản xuất giấy, dăm gỗ, đũa tre, ống nhựa và hạt nhựa... ; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật CCN chưa được đầu tư hoàn thiện, nên nhiều DN gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

  Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các DN trong CCN Bình Nguyên (Bình Sơn) tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhỏ lẻ, manh mún.
Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các DN trong CCN Bình Nguyên (Bình Sơn) tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhỏ lẻ, manh mún.


Hiện nay, các DN hoạt động tại CCN Tịnh Ấn Tây chủ yếu tự khai thác nguồn nước ngầm tại chỗ bằng giếng khoan để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, do trong CCN không có bãi trung chuyển rác, nên các DN phải tự thu gom, lưu trữ và hợp đồng với các đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt, sản xuất và chất thải nguy hại. Nơi đây cũng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên các DN phải xử lý nước thải thông qua hầm tự hoại, xử lý nước thải sản xuất qua hệ thống xử lý tại DN. Ngoài ra, một số DN trong CCN lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh chìm Sơn Tịnh, gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2016, UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công suất 500m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng và giao Sở KH&ĐT phối hợp Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, đến nay hệ thống này vẫn chưa được phân bổ kinh phí.
 

Đến nay, 18 CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 124 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 2.326 tỷ đồng; trong đó có 78 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.350 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 triệu – 4,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp tại  các địa phương trong tỉnh.

Được biết, hầu hết các CCN trên địa bàn tỉnh hiện đều có hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên đa số nước thải do DN tự xử lý rồi thải ra môi trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Cần đầu tư có chọn lọc

Đến nay, toàn tỉnh có 18/22 CCN, với tổng diện tích 269,4ha đã và đang đầu tư, đưa vào hoạt động. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN gần 200 tỷ đồng, trong đó 2 năm (2016 – 2017) đầu tư trên 61,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động và thu hút đầu tư tại các CCN.

Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà cho biết: Việc kêu gọi xã hội hoá đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN ở tỉnh ta rất khó khăn, không có DN nào đăng ký tham gia, nên cần phải đầu tư từ ngân sách. Cũng theo ông Trà, thời gian đến, ngành công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư hạ tầng CCN. Nếu ngân sách tỉnh cân đối đầu tư khoảng 200 tỷ đồng và ngân sách các huyện bỏ ra khoảng 156 tỷ đồng, thì sẽ đầu tư đồng bộ và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh các CCN.

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài cho rằng, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các CCN là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán hiệu quả mang lại trước khi đầu tư, tránh tình trạng bỏ ngân sách ra đầu tư mà không thu hút được DN nào vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.