Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Hiệu quả, nhưng khó thực hiện

09:11, 07/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã triển khai từ nhiều năm qua, song công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, quy mô nhỏ lẻ.

TIN LIÊN QUAN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền các địa phương và người dân chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ ngành lâm nghiệp còn hạn chế, nên việc triển khai, hướng dẫn kỹ thuật để các chủ rừng áp dụng chưa kịp thời. Do đó, toàn tỉnh có gần 256 nghìn hécta đất có rừng (chiếm gần 49,6% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó có trên 115,6 nghìn hécta rừng trồng sản xuất, nhưng hiện chỉ có gần 3.200ha rừng (2,8%) được xây dựng phương án sản xuất theo hướng FSC.

 Diện tích rừng được trồng, quản lý theo hướng bền vững còn ít, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Diện tích rừng được trồng, quản lý theo hướng bền vững còn ít, nên hiệu quả kinh tế không cao.


“Người dân và các tổ chức, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia trồng rừng FSC, vì rừng trồng 10 năm trở lên mới được phép thu hoạch; chi phí đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC khá tốn kém.

Chứng chỉ FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu. Nhưng để có được chứng chỉ rừng FSC, chủ rừng phải đảm bảo thực hiện 10 bộ nguyên tắc và 56 tiêu chí do các tổ chức quốc tế về cấp chứng chỉ rừng FSC đưa ra, như hộ dân phải liên kết thành nhóm hộ; cây con gieo bằng hạt, giâm cành bằng hom; không được sử dụng các loại chất hóa học và phân bón đã bị FSC cấm...

Công tác quản lý cũng được tăng cường, vì sau khi cấp chứng chỉ FSC, rừng vẫn phải được tái kiểm tra và đánh giá lại”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại lý giải. Hơn nữa, khi tham gia trồng rừng FSC, chủ rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ kỹ thuật trồng đến chăm sóc, thu hoạch. Không được vứt các loại rác thải, chất thải ra rừng, không được đốt thảm thực vật và cành, nhánh sau thu hoạch, khiến các chủ rừng “gặp khó”. Bởi thông thường, sau khi khai thác, các chủ rừng sẽ đốt thực bì để tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc trồng rừng.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện trồng, quản lý rừng FSC còn chậm là vì kinh phí hạn chế. Nhà nước chỉ hỗ trợ 100% chi phí (khoảng 1 triệu đồng/ha) thực hiện việc đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC đối với những nhóm hộ có diện tích rừng từ 2.000ha trở lên. Trong khi đó, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh có diện tích nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết tạo nhóm hộ, nên khi tham gia FSC chỉ được Nhà nước hỗ trợ 300.000 đồng/ha, khoản kinh phí còn lại phải tự lo. Chính vì vậy, dù trồng rừng FSC mang lại rất nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế từ 25-30% so với rừng truyền thống, nhưng vẫn chưa được nhiều chủ rừng hưởng ứng.

Công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững không chỉ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, mà còn là giải pháp tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020, đáp ứng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống, lợi ích của người trồng và làm nghề rừng. Vì thế, bên cạnh việc rà soát tình hình hoạt động và xây dựng phương án FSC; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có rừng, ngành lâm nghiệp cần kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

Có như vậy mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có 5.000ha rừng tham gia FSC, trong đó có 2.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC vào năm 2020.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.