Ngư lưới cụ bị cấm sử dụng khai thác hải sản: Khó kiểm soát

09:11, 22/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng ngư dân sử dụng các loại ngư lưới cụ không đúng quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản.

TIN LIÊN QUAN

Kích điện, máng cào, lưới mắt nhỏ gắn dây điện, dây dẫn điện... là những phương tiện bị cấm trong khai thác thủy sản, nhưng một số ngư dân vẫn lén lút sử dụng. Trong đó, kích điện là loại được ngư dân khai thác hải sản ven bờ sử dụng nhiều nhất. “Biết là dùng kích điện sẽ gây hại, ảnh hưởng đến thu nhập của mình về sau, nhưng vì không có tiền để sắm các loại ngư cụ, thiết bị hiện đại hơn, nên đành phải làm”, ngư dân V.Đ.L, xã Bình Hòa (Bình Sơn) bày tỏ.

 

 Lưới trũ mùng được nhiều ngư dân khai thác ven bờ sử dụng.
Lưới trũ mùng được nhiều ngư dân khai thác ven bờ sử dụng.


Ngoài ra, loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ và máy sục cũng được ngư dân khai thác hải sản gần bờ sử dụng. Tại cửa biển Sa Huỳnh, Mỹ Á (Đức Phổ), nhiều tàu của ngư dân chất đầy lưới trũ mùng, loại lưới có kích thước mắt lưới siêu nhỏ. Trong khi các chủ tàu sử dụng lưới trũ mùng cho rằng “loại lưới này dùng để khai thác cá cơm và tôm nhí, nên không gây tận diệt nguồn lợi hải sản”, thì nhiều ngư dân có kinh nghiệm lại phản bác: “Lưới trũ mùng có tốc độ kéo chậm, nên không chỉ cá cơm và tôm nhí, mà hầu hết các loại hải sản có kích thước nhỏ, kể cả trứng... cũng mắc lưới”!

Hiện nay, nhận thức và hiểu biết của ngư dân liên quan đến lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Ở góc độ quản lý nhà nước, có thể thấy công tác tuyên truyền chưa tới được với ngư dân, mặc dù đã có những quy định, chỉ đạo của tỉnh rất cụ thể. Vì thế, để tăng sản lượng hải sản trong mỗi chuyến biển, một số ngư dân đã lén lút sử dụng các phương tiện mang tính tận diệt, như: Giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng xung điện, lồng bát quái, công cụ tời máy để rải và thu lồng...  

Theo ngành chức năng, nhiều tàu khai thác hải sản ven bờ, công suất nhỏ, nên không thực hiện việc đăng ký đăng kiểm và nằm ngoài diện quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, “đối với tàu công suất lớn, khai thác xa bờ, công tác quản lý và kiểm soát tàu cá hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì ngành chức năng thiếu nhân lực và phương tiện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát”, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản Nguyễn Văn Mười cho biết. Điều đáng nói là, khi kiểm tra phát hiện tàu vi phạm, việc xử lý cũng rất nan giải. Bởi ngoài việc ngư dân viện lý do hoàn cảnh khó khăn để trì hoãn thi hành mức phạt, thì theo quy định, các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản cũng không bị tịch thu phương tiện tàu cá.

Thực tế, đa số ngư dân đang hành nghề khai thác thủy sản “mang tính chất tận diệt” đều là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn ngư dân lựa chọn, sử dụng các loại ngư lưới cụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra và quản lý các cơ sở sản xuất, cung ứng ngư lưới cụ; có chế tài xử lý nghiêm đối với những cơ sở sản xuất và cung ứng những loại ngư lưới cụ thuộc danh mục cấm sử dụng.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.