(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về bảo vệ, khai thác tài nguyên biển cho người dân, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã thành lập Tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng (tổ tự quản). Từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, tổ tự quản đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tổ tự quản “cứu” nguồn lợi thủy sản
Rong mơ được xem là môi trường sống của nhiều loài thủy sản. Vì vậy, việc người dân xã Bình Châu khai thác rong mơ ồ ạt, thậm chí còn sử dụng các loại ngư cụ và hóa chất cấm, khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy giảm nghiêm trọng.
Nâng cao nhận thức cho ngư dân sẽ góp phần nâng cao sản lượng và giá trị nguồn lợi hải sản ven bờ. |
Ngoài ra, ngư dân xã Bình Châu còn phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tuần tra, ngăn cản những tàu cá bên ngoài xâm nhập ngư trường để đánh bắt và phá hủy ngư cụ của ngư dân địa phương. Chính vì vậy, nguồn lợi thủy sản ven bờ xã Bình Châu được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của chính quyền xã Bình Châu, so với năm 2013, sản lượng các loài thủy sản ven bờ nói chung và rong mơ nói riêng tăng gấp 3 lần. Điều này đã giúp thu nhập của ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ được cải thiện đáng kể.
Cần nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả của tổ tự quản ở xã Bình Châu, cuối năm 2015, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng thành lập 5 tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng. “Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ tự quản đã giúp người dân trên địa bàn xã hiểu hơn về lợi ích của việc khai thác hải sản gắn với bảo vệ. Nhiều người không còn sử dụng các phương tiện, ngư cụ bị cấm hoặc thuốc nổ trong quá trình khai thác hải sản. Việc khai thác san hô và rong mơ cũng quy củ, nền nếp hơn”, Chủ tịch UBND xã Bình Hải Bùi Trạng cho biết.
Hiện nay, toàn tỉnh có hàng nghìn tàu có công suất dưới 90CV, chuyên khai thác hải sản ven bờ. Do đó, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nghề cá ven bờ, cần nhân rộng mô hình tổ tự quản. Bởi thông qua các hoạt động của tổ tự quản, người dân sẽ hiểu hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình khai thác thủy sản, cũng như tài nguyên biển.
Tuy nhiên, tổ tự quản hoạt động trên tinh thần tự nguyện, kinh phí tự trang trải, nên ngoài việc tuyên truyền, công tác tổ chức tuần tra, xua đuổi các tàu địa phương khác xâm nhập ngư trường rất hạn chế. Vì vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để các tổ tự quản hoạt động ổn định. Về lâu dài, cần có chính sách giao mặt nước cho cộng đồng ngư dân quản lý, được hưởng lợi từ vùng biển mà họ tham gia quản lý... Có như vậy, mô hình tổ tự quản mới tồn tại và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MỸ HOA