(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn bảo trì, bảo dưỡng công trình hạ tầng giao thông hằng năm của trung ương và của tỉnh phân bổ khá eo hẹp, nhưng hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường liên huyện đều được ngành GTVTcố gắng duy tu bảo dưỡng kịp thời...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phát huy hiệu quả
Tuyến đường Di Lăng-Trà Trung sau gần 10 năm đưa vào khai thác đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng. Năm 2018, bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ, Sở GTVT đã cho duy tu, bảo dưỡng công trình, nhờ đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa kết nối giữa hai huyện Tây Trà và Sơn Hà trở nên thuận lợi hơn.
Công tác duy tu bảo dưỡng công trình luôn được ngành GTVT tập trung thực hiện. Trong ảnh: Nhà thầu đang sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ trên tuyến đường Di Lăng-Trà Trung. |
Tuyến Quốc lộ 24 qua địa bàn huyện Ba Tơ trước tết Nguyên đán 2018, trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống hai bên đường và người điều khiển phương tiện lưu thông, vì nhiều vị trí nền đường hư hỏng tạo thành những “ao nước” sâu hơn 30cm. Trước bức xúc của người dân, Sở GTVT và huyện Ba Tơ đã tiến hành bảo dưỡng công trình, những ổ gà, ổ voi đã được khắc phục, đảm bảo cho người và phương tiện qua lại an toàn.
Không chỉ các tuyến đường ở miền núi, mà thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông ở các huyện đồng bằng, ven biển cũng được Sở GTVT, các huyện, thành phố tập trung khắc phục, xử lý các hư hỏng, góp phần kéo dài “tuổi thọ” của công trình, phục vụ nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân.
Sửa chữa từ những hư hỏng nhỏ
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên đường, cán bộ quản lý đường bộ thường xuyên tuần tra trên các trục đường, nắm cụ thể từng vị trí hư hỏng, các vị trí có nguy cơ sạt lở, dấu hiệu nền đường đang xuống cấp... để thống kê và lên kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng tổ chức các đợt kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình thông qua các phương tiện hiện đại để “bắt bệnh”..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng công trình, kéo dài thời gian sử dụng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết: Năm 2017, ngành đã thực hiện đảm bảo công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo phân cấp đối với 3 tuyến quốc lộ được ủy thác và 11 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài hơn 658km. Trong đó, đã tổ chức sửa chữa được 69km mặt đường láng nhựa, 13km mặt đường bằng bê tông xi măng, với tổng kinh phí hơn 156 tỷ đồng. Riêng năm 2018, đã sửa chữa được 72km mặt đường láng nhựa, 51km mặt đường bê tông nhựa và 13,4km mặt đường bằng bê tông xi măng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Được biết, mỗi năm nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ trung ương phân về cho tỉnh để duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông là 35 tỷ đồng và ngân sách tỉnh khoảng 200 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết thêm, sau khi đưa công trình vào khai thác, ngành luôn cử cán bộ kiểm tra cụ thể từng tuyến, từng vị trí và tổng hợp báo cáo. Nhờ đó, các vị trí vừa có dấu hiệu hư hỏng hay có sạt lở xảy ra, đều được sửa chữa kịp thời.
“Vận hành hạ tầng giao thông cũng như chăm sóc cơ thể con người, nghĩa là phải thường xuyên “khám bệnh định kỳ” và khi phát hiện “bệnh” là lập tức điều trị, chứ không phải để “bệnh nặng” rồi mới đến bệnh viện. Nhờ đó, hầu hết các tuyến đường do ngành quản lý khi xuất hiện các hư hỏng đều được chỉ đạo khắc phục kịp thời, góp phần khai thác các tuyến đường có hiệu quả hơn”, ông Phương chia sẻ.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC