Tiên phong đóng tàu composite

09:10, 20/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, sửa chữa và nâng cấp tàu cá. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Minh Quang (Công ty Minh Quang), xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) tiên phong đóng mới tàu composite.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) của Chính phủ, trong 2 năm (2016-2017), Công ty Minh Quang đóng mới 15 chiếc tàu gỗ, 1 chiếc tàu composite và đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, công ty đang đóng mới 3 chiếc tàu composite cho ngư dân trong và ngoài tỉnh.

Tiên phong đóng tàu bằng vật liệu mới

Sau một năm hạ thủy, chiếc tàu composite của tôi chạy khá êm, chưa bị trục trặc, cũng chẳng phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ như tàu vỏ gỗ”, ông Đỗ Văn Bích, ở huyện Phú Quý (Bình Thuận) cho biết.

 

Chiếc tàu composite của ngư dân Lê Thanh Điểu đang được thi công tại Công ty Minh Quang.
Chiếc tàu composite của ngư dân Lê Thanh Điểu đang được thi công tại Công ty Minh Quang.


Thực hiện Nghị định 67, ông Bích được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt danh sách đóng mới tàu composite, công suất 829CV để hành nghề hậu cần dịch vụ thủy sản. Thay vì đóng tàu ở những cơ sở có tiếng lâu nay, ông Bích đã lựa chọn Công ty Minh Quang, một doanh nghiệp mới thành lập và chưa từng đóng tàu composite.

“Hồi đó ai cũng nói tôi liều, khi giao phó chiếc tàu 12 tỷ đồng cho một doanh nghiệp “chẳng có tên tuổi” như Công ty Minh Quang. Nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình”, ông Bích lý giải. Nói cứng là thế, nhưng suốt thời gian đóng tàu, ông Bích như ngồi trên đống lửa. Bởi đối với loại vật liệu composite, chiếc tàu của ông Bích là sản phẩm đầu tiên của Công ty Minh Quang. Chính vì vậy, dù “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm” tại xưởng, nhưng đến tháng 12.2017, khi chiếc tàu được hạ thủy, ông Bích mới thở phào nhẹ nhõm.

“Tàu composite ít tốn kém chi phí hơn so với tàu gỗ. Tàu gỗ phải duy tu, bảo dưỡng 1 - 2 lần trong năm, chi phí khoảng 30 triệu đồng/lần, còn nếu sửa chữa thì tốn trên 100 triệu đồng/lần. Trong khi đó, tàu composite 2 - 3 năm mới bảo trì một lần, với chi phí rất thấp”.


Chủ tàu ĐỖ VĂN BÍCH,
huyện Phú Quý (Bình Thuận)

Sau khi hạ thủy, chiếc tàu của ông Bích được ngư dân nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Bình Thuận theo dõi quá trình hoạt động. “Composite là loại vật liệu mới, chi phí đóng mới cao hơn tàu vỏ gỗ, nên ngư dân tò mò, theo dõi kết quả hoạt động cũng là điều dễ hiểu”, ông Bích cho biết.

Sau một năm hoạt động liên tục, chiếc tàu composite của ông Bích chưa bị trục trặc gì, lại tiết kiệm 1/3 nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ. Hơn nữa, hầm bảo quản trên tàu composite cách nhiệt rất tốt, nên chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm.

Tiếng lành đồn xa

Từ chiếc tàu của ông Bích, Công ty Minh Quang được nhiều ngư dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn để đóng mới tàu vỏ gỗ lẫn composite. Bởi, Công ty Minh Quang đóng trên địa bàn tỉnh, nên bên cạnh chất lượng và giá cả phù hợp, ngư dân cũng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình bảo hành, sửa chữa tàu.

“Không chỉ bàn giao tàu đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã ký kết, Công ty Minh Quang còn hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân rất nhiều trong quá trình vận hành, quản lý tàu. Vì vậy, tôi rất tin tưởng giao việc đóng mới chiếc tàu composite, công suất 829CV, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng cho Công ty Minh Quang”, ngư dân Lê Thanh Điểu, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cho hay. Cùng với chiếc tàu của ông Điểu, hiện nay, doanh nghiệp này cũng đang khẩn trương thi công 2 chiếc tàu composite, tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, để kịp bàn giao cho HTX Nghề cá An Kỳ, xã Tịnh Kỳ.

Đầu tháng 9.2018, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17 đối với 6 tàu cá composite. Giám đốc Công ty Minh Quang Đỗ Thanh Tú cho biết: Tàu composite là xu hướng phát triển cho nghề cá hiện đại. Chính vì vậy, song song với việc nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật đóng mới mọi kích cỡ tàu composite, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngư dân làm chủ tàu công suất lớn, để nâng cao hiệu quả khai thác.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.