Giữ biển, làm giàu từ biển

09:10, 18/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cụ thể hóa mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi gắn công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo với việc hình thành đội tàu công suất lớn, nhằm “giữ biển, làm giàu từ biển”.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 9.2.2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

 

Bám biển, giúp ngư dân làm giàu từ biển.
Bám biển, giúp ngư dân làm giàu từ biển.


“Nhờ biển, nhiều thế hệ trong gia đình tôi thoát nghèo, có của ăn của để. Vì vậy, mình phải giữ biển. Giữ cho mình, giữ cho con cháu”, ngư dân Nguyễn Minh Dằn, xã Phổ An (Đức Phổ), bộc bạch. Vì vậy, dù có nhiều phiên biển kém hiệu quả, nhưng ông Dằn và những bạn tàu của mình vẫn quyết tâm bám biển. Kết quả của sự “chung lòng” ấy là ông Dằn đã đóng được chiếc tàu mới có công suất 450CV, thoát cảnh làm bạn, để tự tay điều khiển tàu vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển.

Nghị định 67 (nay là Nghị định 17), được đánh giá là một trong những thành tựu lớn trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển. Thực hiện Nghị định 67, toàn tỉnh có 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite được đóng mới (1 chiếc tàu vỏ gỗ bị tai nạn, được bảo hiểm bồi thường). Trong số này, 49/51 tàu vỏ gỗ hoạt động có hiệu quả. Một tàu vỏ composite đóng mới theo chính sách thí điểm hỗ trợ một lần sau đầu tư cũng hoạt động hiệu quả.

Ở một số vùng biển của tỉnh, nghề câu mực mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều thuyền viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/người/năm. Tại xã Bình Chánh (Bình Sơn), “thủ phủ” nghề câu mực của Quảng Ngãi, có 103 chiếc tàu và hơn 2.000 lao động hành nghề. Mùa biển năm 2017, ngư dân trong xã đã khai thác được hơn 5.400 tấn hải sản các loại, giá trị đạt trên 650 tỷ đồng. Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của ngư dân còn phải kể đến sự đồng hành của các cấp chính quyền đã thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ lúc họ gặp khó khăn, hoạn nạn.

“Sản xuất trên biển tiềm ẩn nhiều rủi ro và hiểm nguy. Vì vậy, nếu không có “hậu phương” vững chắc, chúng tôi sẽ không đủ vững tin để bám biển suốt 30 năm nay”, ngư dân Mai Tiến, chủ tàu câu mực công suất 727CV ở xã Bình Chánh, bộc bạch.

Ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), trong 10 năm qua, nhiều “đội tàu gia đình” cũng đã ra đời, ngày đêm bám biển, để hành nghề lưới vây, lặn ở ngư trường Hoàng Sa. Thậm chí, nhiều ngư dân tuổi đã cao, không thể xông pha đi biển, nhưng vẫn thể hiện tình yêu với biển, qua việc truyền cảm hứng “giữ biển, làm giàu từ biển” cho con cháu, thanh niên ở địa phương. “Tàu nước ngoài dùng đủ cách để làm khó, vì thế ngư dân trong tỉnh càng phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết ứng phó.

Nhất là với những ngư dân trẻ, mình càng phải “truyền lửa” để họ vững tin và hiểu rằng: Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là tài sản vô giá của ông cha ta để lại, nên phải quyết tâm giữ vững”, ngư dân Nguyễn Thanh Nam, có 3 người con là chủ 3 chiếc tàu hành nghề lặn ở Hoàng Sa cho biết. Chính vì vậy, dù có nhiều hiểm nguy, gian khó, nhưng trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, đội tàu mang số hiệu QNg vẫn đồng hành với các đội tàu trong nước ngày đêm bám biển khai thác hải sản.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.